.

Chợ hay siêu thị?

.

Siêu thị đã trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều bộ phận dân cư, bởi các lợi thế ưu việt so với chợ truyền thống: mát mẻ, hàng hóa phong phú, nhiều chương trình khuyến mãi... Trong tình thế đó, các chợ buộc phải thay đổi rất nhiều để giữ khách hàng cũ và thu hút lượng khách mới.

Đi siêu thị để hưởng các chương trình khuyến mãi và... trốn nắng

Hàng hóa phong phú, có sẵn giá cả... siêu thị trở thành sự lựa chọn của nhiều người nội trợ.

Bước ra khỏi siêu thị với một mớ hàng hóa lỉnh kỉnh, chị Nguyễn Thị Hương (đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu) cho biết, tuần nào chị cũng đi siêu thị ít nhất một lần, khi thì mua bột giặt, lúc mua dầu ăn, muối mắm, áo quần và tất tần tật những thứ thiết yếu cho gia đình. Với nhiều ưu thế hơn so với chợ, siêu thị được rất nhiều bà nội trợ lựa chọn: “Giá cả được ghi sẵn, lại rất nhiều hàng hóa tập trung vào cùng một khuôn viên, nên thích lựa gì, mua gì tùy thích, không sợ mua hớ”.
 
Trong lúc giá cả tăng cao, các chương trình khuyến mãi ở siêu thị luôn được người nội trợ nhắm đến. “Hàng ở siêu thị lúc nào cũng được thông báo trước bằng tờ rơi, nếu thấy có hàng gì khuyến mãi, giảm giá nhiều, tôi đều tranh thủ mua, để dành dùng dần. Thời buổi này giá cả mỗi ngày một tăng, làm cách đó cũng tiết kiệm được một khoản kha khá. Hơn nữa, bây giờ ớn nhất là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, mua đồ ăn ở đây sẽ chắc ăn hơn”, chị Hương nói.

Đối với nhiều người, đi siêu thị lại là một cách thư giãn, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức cao. Vào ban đêm hay cuối tuần, lúc nào siêu thị cũng đầy người. Có khi người ta không đi mua hàng, chỉ ngắm nghía rồi thong dong dạo dạo trong khuôn viên mát mẻ, rộng rãi, hàng hóa sáng trưng. Có khi chỉ đi chơi, nhưng bị hàng hóa cuốn hút, nên nhiều người cũng bước ra khỏi siêu thị với vài thứ đồ trên tay.
Các siêu thị hiện đại, phong phú hàng hóa ra đời trong khoảng vài năm trở lại đây đã khiến lượng người đến mua sắm ở chợ giảm bớt.

Theo chị Ngọc Hiền, bán hàng tạp hóa, mỹ phẩm ở chợ Cồn: “Hàng mỹ phẩm, dầu gội bán ít được hơn từ khi có các siêu thị”. Ông Lê Ngọc Duyên, Giám đốc Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng cũng tỏ ra quan ngại: “Các siêu thị đã chi phối một thị phần nhất định, nhất là đối với các mặt hàng bao bì, đóng gói. Hơn nữa, trong mùa nắng nóng, khách hàng lại tìm đến siêu thị để vừa mua hàng, vừa trốn, tránh nóng”.

Vào cuộc đua mới

Sức ép của các tập đoàn siêu thị lớn như Metro, BigC buộc các chợ truyền thống phải thay đổi cách kinh doanh để hút khách hàng trở lại với mình. Theo nhiều nhà buôn, bán giá thấp hơn giá ghi trên bao bì của nhà sản xuất, giảm giá từ 5% - 10% cho người mua nhiều hàng là cách tốt nhất để giữ khách. Giám đốc Quan hệ công chúng và Đối ngoại Hệ thống siêu thị BigC, bà Dương Thị Quỳnh Trang cho rằng: “Để tồn tại và phát triển trong tương lai, mô hình chợ chắc chắn sẽ phải đổi mới nhiều: quy hoạch, nâng cấp, hợp lý hóa các chủng loại hàng hóa kinh doanh, kiểm soát chất lượng vệ sinh chặt chẽ hơn…”.

Tuy nhiên, điều này có vẻ hơi lý tưởng, vì chính ông Lê Ngọc Duyên cũng lo lắng: “Hiện nay các chợ đều xuống cấp, không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ và sức khỏe cho người mua lẫn người bán”. Theo ông, nâng cấp, xây dựng mới lại nhiều chợ trọng điểm (chợ Cồn, chợ Hàn), kiểm soát chặt chẽ giá cả, thực hiện văn minh thương mại, cộng với các lợi thế sẵn có của chợ như bán hàng tươi sống, gần gũi với nếp sinh hoạt của người dân..., mới có thể nói tới chuyện chợ cạnh tranh với siêu thị.

Trong khi Metro, BigC thường tung ra nhiều mẫu mã hàng hóa với giá cả thấp hơn giá thị trường, nhiều chương trình khuyến mãi, tăng các giá trị cộng thêm (xe buýt 2 chiều, giao hàng tận nhà, bốc thăm trúng thưởng...), thì Siêu thị Đà Nẵng, đơn vị “mở màn” loại hình kinh doanh siêu thị cũng sắp có một số thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Phó Giám đốc Siêu thị Đà Nẵng, ông Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Các tập đoàn siêu thị lớn với tiềm lực kinh tế dồi dào, kinh nghiệm quản lý dày dạn trong hoạt động siêu thị đã làm giảm bớt lượng khách đến đây”. Vì vậy, việc phối hợp với các đối tác cải tạo, nâng cấp mặt bằng, lựa chọn, quy hoạch sắp xếp những ngành hàng, mặt hàng có thương hiệu, mời gọi những đối tác có nguồn hàng phong phú, giá cả hợp lý... đang là những phương án được siêu thị này tính đến.

Chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong thời buổi giá cả leo thang, tất cả các siêu thị đang đưa ra các chương trình giảm giá từ 30-50% một số mặt hàng, điều chỉnh giá tối thiểu, xây dựng mặt bằng giá thấp hơn giá thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu như: dầu ăn, mỳ chính, đường, nước mắm…, giảm tối thiểu việc tăng giá nhằm bảo vệ sức mua của người tiêu dùng.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.