.

Chuyện về người chủ hiệu mộc Kim Bồng

.

Anh Lê Minh Thông quê Điện Bàn, Quảng Nam, học nghề tại làng mộc Kim Bồng (Hội An), đến lập nghiệp tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ từ năm 1991. 17 năm qua, anh bền bỉ phấn đấu, kiên trì vượt khó làm giàu.

Anh Thông trong cửa hàng Mộc Kim Bồng.
Ban đầu, anh mở một cơ sở sản xuất nhỏ tại số 136 đường Trường Chinh - Đà Nẵng, lấy tên là Mộc Kim Bồng. Hồi ấy, cơ sở mới có 6 công nhân, sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công và làm những đồ dùng gia đình thông dụng. Dần dần, anh tạo ra nhiều mối quan hệ, ký được hợp đồng với một số trường học, cơ quan để đóng bàn ghế học sinh và cho công sở.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Thông từng bước đầu tư mua sắm trang thiết bị và các công đoạn sản xuất lần lượt được sử dụng máy móc để thay thế cách làm thủ công. Đồng thời, anh mở rộng dần cơ sở, tuyển dụng thêm công nhân, ưu đãi đối với thợ giỏi, hết sức chú trọng nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để tăng lợi nhuận.

Đến nay, anh Thông đã có một xưởng sản xuất và một cửa hàng kinh doanh khá bề thế với tổng diện tích 600m2, gần 20 lao động thường xuyên và trên 30 lao động thời vụ. Trong xưởng sản xuất của anh có các loại máy chuyên dụng tiên tiến, đồng bộ như máy cắt xẻ liên hợp, máy vòng lượn, máy đục lỗ đứng, máy đục lỗ ngang... Mọi công việc đều được khoán gọn cho bốn bộ phận: Bộ phận làm đồ dùng văn phòng, bộ phận trang trí nội thất, bộ phận tiện và bộ phận khảm chạm, mỗi bộ phận do một người thợ có tay nghề giỏi phụ trách.

Bây giờ, anh Thông không trực tiếp làm như trước đây, nhưng tất cả các công đoạn anh đều thông thạo. Ngày ngày, anh kiểm tra theo dõi chặt chẽ các công đoạn sản xuất đối với từng sản phẩm, hễ chi tiết nào làm chưa đạt, chưa đẹp, anh kiên quyết yêu cầu công nhân làm lại.

Trong cửa hàng của anh có cả trăm chủng loại, “khách ưng kiểu gì cũng có”, từ chiếc giá để báo giá bán chưa đến 100 nghìn đồng cho đến bộ bàn salon đặt ở phòng khách lớn với giá hơn 20 triệu đồng. Chỉ riêng bàn đã có hàng chục kiểu như bàn ăn, bàn họp, bàn tròn, bàn vuông, bàn bầu dục, bàn chữ V, bàn chữ H... Tất cả các kiểu dáng đều do anh tìm tòi, nghiên cứu rồi vẽ mẫu cho thợ thực hiện. Trước kia, anh vẽ bằng tay, mỗi mẫu sản phẩm là cả một kỳ công lao tâm khổ trí, vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần. Do vậy, anh đã bỏ công theo học và tốt nghiệp lớp kỹ thuật đồ họa - thiết kế. Từ đó, việc vẽ mẫu được anh thực hiện trên máy và trở thành ông chủ hiệu mộc vừa giỏi nghề, vừa trực tiếp vẽ mẫu sản phẩm bằng vi tính.

Anh Thông cũng sáng chế ra nhiều kiểu trang trí nội thất có hoa văn, đường diềm đẹp mắt, trang nhã, sang trọng nhưng không cầu kỳ với giá thành không cao, được khách hàng ưa chuộng. Hồi còn học nghề ở làng mộc Kim Bồng, anh Thông nổi tiếng là một học trò sáng dạ và khéo tay. Còn trong sản xuất - kinh doanh, anh lại được mọi người biết đến là một ông chủ năng nổ, nhanh nhạy.
 
Đặc biệt, anh đã dày công tìm tòi, học hỏi về chữ nho và các hình vẽ long - lân - quy - phụng, mai - lan - cúc - trúc... để hướng dẫn cho thợ khảm chạm. Anh tâm sự, các chữ nho hay các hình dáng chim cảnh kiểu cổ nếu mình không rành thì không thể kiểm tra được thợ. Trong khi đó, khảm chạm mà sai kiểu khi gặp những ông khách “giỏi chữ” họ sẽ cười cho và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mình!

Từ những suy nghĩ và cách làm đó, người tiêu dùng đến mua sản phẩm ở cửa hàng Mộc Kim Bồng ngày càng nhiều. Khách đến hợp đồng làm đồ mộc văn phòng và trang trí nội thất cũng tăng lên không ngừng, trong đó có nhiều đơn vị và cá nhân ở các địa phương khác. Làm ăn thành đạt, anh Thông đã trở thành một hộ giàu có và rất tâm huyết với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo - từ thiện, hết sức quan tâm giúp đỡ người lao động. 100% công nhân ở xưởng Mộc Kim Bồng đều có chế độ lễ, Tết và con của họ cũng được nhận quà nhân dịp Trung thu và ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Có những trường hợp được anh ứng trước tiền lương của nhiều tháng để giúp họ sửa nhà, mua xe máy hoặc chi dùng các công việc trong gia đình. Cả hai con của anh đều chăm học và học rất giỏi, có một cháu vừa đoạt giải ba tại Hội thi Tin học trẻ không chuyên toàn thành phố.

Bài và ảnh : LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.