.
Khi xăng, dầu tăng giá

Mọi biện pháp tiết kiệm được người dân tính đến

.

Đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu lần này được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải thích tại cuộc họp báo ngày 21-7: “Việc cho phép các doanh nghiệp tăng giá bán lẻ xăng dầu là Nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ giá xăng, dầu hơn nữa. Tuy nhiên, với mức tăng như hiện nay, Nhà nước vẫn phải bù lỗ 70% và người dân chia sẻ 30%”.

Để cùng chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn, người dân  đã nhanh chóng “bắt nhịp” làm quen với sự biến động của giá xăng, dầu bằng cách lựa chọn những giải pháp tiết kiệm nhiên liệu một cách tối đa.

Theo dự định, đến cuối tháng 7, vợ chồng chị Hoàng Vân Hải (phường Hòa Khánh Bắc) sẽ bỏ ra 30 triệu đồng để mua chiếc xe máy tay ga cho con gái đi làm. Nhưng ngay sau khi giá xăng tăng lên 19.000 đồng/lít, vợ chồng chị Hải đã phải bàn tính lại và thống nhất: Việc làm đầu tiên là trích nửa số tiền trên để chuyển sang mua xe máy số.

Theo chị Hải, nếu giá xăng tăng lên 19.000 đồng/lít mà “xài” xe ga đi làm  là không ổn bởi xe máy tay ga thường  tốn nhiên liệu gấp hơn 2 lần xe máy số. Hơn nữa, khi mua xe máy số sẽ để lại được ít tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng, với lãi suất cao như hiện nay thì hằng tháng cũng có thêm trên 200 nghìn đồng. Như vậy, giải pháp này được chọn lựa lợi cả đôi đường, vừa có xe đi làm lại vừa có chút tiền lãi suất ngân hàng để đổ xăng.

Đi làm bằng xe buýt đã được nhiều người lựa chọn khi giá xăng tăng.


Còn 3 công nhân tên Phương, Mẫn, Bình đang làm việc tại Công ty Dearyang ở Khu công nghiệp Hòa Khánh cho biết: “Tụi em đều là dân ngoại tỉnh đến đây làm ăn,  mặc dù làm việc ở công ty nước ngoài với thu nhập cũng kha khá, nhưng cả 3 đứa vẫn phải thuê chung một nhà để giảm chi phí. Nếu lúc trước, giá xăng dầu chưa tăng, mỗi khi đi làm thì 3 đứa 3 xe máy, nhưng  2 ngày nay giá xăng, dầu tăng lên, chúng em đã để lại một chiếc xe ở nhà để tiết kiệm xăng. Giá cả bây chừ mọi thứ đều đắt đỏ, mỗi thứ tiết kiệm một chút sẽ làm cho cuộc sống hằng ngày dễ chịu hơn”.

Một tài xế điều khiển xe buýt mang biển số 43K-8792 của Công ty cổ phần Vận tải Quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay: Nếu lúc trước hành khách đi trên xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người có tuổi, thì từ khi xăng tăng giá, trên xe buýt đã xuất hiện hành khách là cán bộ, công nhân, viên chức. Ngay cả bản thân tôi cũng đang dự tính thay đổi phương tiện đi làm việc, chứ mỗi ngày đi từ nhà đến cơ quan cũng mất gần 10.000 đồng tiền xăng, nếu chuyển sang đi làm bằng xe máy điện coi như đã tiết kiệm được tiền ăn rau hằng ngày”.

Để từng bước vượt qua khó khăn, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần phải có sự đồng lòng và chia sẻ với Chính phủ trước những khó khăn trong thời điểm hiện nay bằng những hành động tiết kiệm, từ những chi tiêu nhỏ nhất...

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

 

;
.
.
.
.
.