Mặc dù đã có nhiều cải thiện về môi trường làm việc, nâng mức lương tối thiểu theo quy định mới, song vấn đề thu hút công nhân của các DN dệt-may trên địa bàn thành phố vẫn không có gì chuyển biến.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt - may Hòa Thọ. |
Hiện nay, lượng công nhân làm việc trong ngành dệt-may trên 10 nghìn người, chiếm khoảng 30% lượng công nhân tại các DN. Không chỉ các DN dệt-may cạnh tranh với nhau, các DN chế biến thủy sản cũng đang thu hút lượng công nhân lớn như Công ty CP Chế biến thủy sản Thuận Phước, Công ty CP Xuất nhập khẩu chế biến thủy sản miền Trung… với mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc bảo đảm vệ sinh và thực hiện an toàn trong lao động.
Ông Lê Vang Hích, Phó Giám đốc Công ty CP Dệt-may 29-3 cho biết: “Nhân công luôn được xem là vấn đề sống còn của công ty. Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội, xu thế cạnh tranh về nguồn lao động có tay nghề cao, Công ty CP Dệt-may 29-3 chăm lo đời sống trên 2 nghìn công nhân không chỉ bảo đảm việc làm thường xuyên, lương cao, mà còn thực hiện tốt chế độ BHYT, BHXH, phát huy tay nghề công nhân. Để giữ công nhân gắn bó lâu dài với DN, cần xây nhà ở cho công nhân để giảm tiền thuê phòng trọ”.
Công ty Vinatex Đà Nẵng mặc dù có nhiều cố gắng tuyển công nhân nhưng mức thu hút công nhân ở Đà Nẵng không quá 2 nghìn, lương bình quân chỉ đạt khoảng 1,1 triệu đồng/người/tháng. Với nhu cầu mở rộng SXKD, Vinatex Đà Nẵng đã phải xây dựng thêm nhà máy, các dây chuyền may tại Quảng Nam, Bình Định để thu hút thêm 2 nghìn công nhân. Bây giờ, nếu đối xử không tốt với công nhân, ép lương, tăng ca, tăng giờ làm, công nhân sẵn sàng rời xa DN.
Chị K, quê ở Quảng Nam cho biết: “Tôi làm công nhân cho một công ty dệt-may có tiếng ở Đà Nẵng, nhưng mức lương không quá 1 triệu đồng/tháng, lại thường xuyên tăng ca, tăng giờ những lúc cao điểm, tiền thuê phòng mỗi tháng 200 nghìn đồng, chi phí đi lại, ăn uống, mỗi tháng dư không quá 200 nghìn đồng. Với mức thu nhập này, tôi không thể bảo đảm cuộc sống, dự định sẽ chuyển sang làm việc ở DN chế biến thủy sản có mức lương hấp dẫn hơn”.
Có thể nhận thấy, các DN dệt-may của Đà Nẵng hiện nay sử dụng công nhân tại chỗ ở các tỉnh lân cận với giá rẻ, chỉ là bài toán hiệu quả tức thời. Nếu như mức lương công nhân không tăng, họ sẽ rời nhà máy đi đến những nơi có điều kiện làm việc, mức lương hấp dẫn hơn, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ Trần Văn Phổ cho rằng, để DN dệt-may đứng vững, thu hút công nhân và tạo mối liên kết lâu dài giữa nhà máy với công nhân, ngoài nâng cao mức lương, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội không thể xem nhẹ. Chính vì làm được điều này, uy tín và thương hiệu HOATHO trong thời gian qua được giữ vững, công nhân gắn bó lâu dài với công ty.
Vấn đề thu hút công nhân không chỉ là cuộc cạnh tranh của các DN trong nước, mà sắp tới, khi một số DN FDI đầu tư trên địa bàn thành phố dự kiến sẽ thu hút trên 10 nghìn công nhân với mức lương hấp dẫn thì sức cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.
Bài và ảnh: MINH TUẤN