.
Quận Cẩm Lệ:

Hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển

.

Tính đến hết tháng 6-2008, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có tới 45 dự án với tổng diện tích 1.536 ha, chiếm khoảng 48,5% diện tích đất tự nhiên của toàn quận. Ước tính, diện tích nằm trong quy hoạch chiếm tới trên 60% diện tích tự nhiên của toàn quận.

Điều đó cho thấy sự biến động về dân cư, về quy hoạch đô thị trên địa bàn quận sẽ còn diễn biến phức tạp và lâu dài. Đặc biệt, tình hình phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tiến độ của các dự án, nhất là các dự án phát triển và thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp Hòa Cầm.

Hiện toàn quận có 8 DN trực thuộc thành phố và các cơ quan Trung ương. Về cơ bản, các DN này đã ổn định về lao động, khả năng mở rộng sản xuất và thu hút lao động trên địa bàn quận không đáng kể. Trong khi đó, lực lượng lao động trên địa bàn quận rất dồi dào với gần 50% dân số trong độ tuổi lao động.
 

Một công đoạn sản xuất đàn của Công ty TNHH một thành viên chế biến hàng xuất khẩu Đức Hùng.

Số lao động chưa có việc làm còn khá đông, nhất là lực lượng lao động phổ thông và lao động nữ. 3 năm qua, nhờ có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất phù hợp của quận, nên tốc độ phát triển các DN nhỏ và vừa, các DN dân doanh ngày càng nhiều trên cơ sở khai thác và phát huy thế mạnh, tiềm năng của quận. Đến hết tháng 6-2008, đã có 493 DN được thành lập với số vốn đăng ký 2.205 tỷ đồng, trong đó 243 DN công nghiệp và xây dựng, thu hút hơn 12.700 lao động (chiếm 29% lao động toàn quận), 251 DN thương mại và dịch vụ, thu hút hơn 14.500 lao động (chiếm 33% lao động toàn quận).

Tỷ lệ giữa các ngành tương đối phù hợp với cơ cấu kinh tế mà Nghị quyết HĐND quận đã đề ra trong kế hoạch từ 2005- 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm qua của quận luôn ở mức từ 25% - 27%. 6 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất ước thực hiện 1.030 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch năm và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng 770 tỷ đồng, chiếm 75% sản lượng của toàn quận. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân doanh đạt 104 tỷ đồng. Các ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, giấy và chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng khá với tốc độ tăng trưởng cao.

Có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của mỗi DN thì sự hỗ trợ của quận có ý nghĩa quan trọng. UBND quận đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” trong cấp Giấy đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính khác để DN có thể đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, quận Cẩm Lệ thu hút được nhiều chủ DN ở các địa phương khác đến mở cơ sở, góp phần làm cho quận trở thành một trong những trung tâm kinh tế mới của thành phố.

Đối với các DN đang hoạt động, nhất là các DN sản xuất các mặt hàng truyền thống như sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, chế biến thực phẩm, giấy và các sản phẩm từ giấy, dịch vụ ẩm thực, quận chủ trương duy trì ổn định và tạo điều kiện để các DN ngày càng phát triển. Đặc biệt tháng 2 năm 2008 vừa qua, quận thành lập “Tổ hỗ trợ doanh nghiệp” nhằm giúp các DN mới thành lập sẽ có giấy phép kinh doanh sớm nhất ngay sau khi hoàn tất các thủ tục; giải quyết khó khăn vướng mắc của các cơ sở sản xuất trong phạm vi khả năng, quyền hạn của quận, nhất là khâu đào tạo lao động có tay nghề và các lĩnh vực chuyên môn liên quan đến các hoạt động kinh doanh của DN.
 
Vừa qua, với sự hỗ trợ và tham mưu của “Tổ hỗ trợ doanh nghiệp”, 3 DN đã được bố trí mặt bằng mới, như DN sản xuất đàn xuất khẩu sang Nhật đã có mặt bằng mới, rộng để mở rộng sản xuất lâu dài. Từ nay đến cuối năm 2009, quận sẽ tạo điều kiện để di dời hầu hết các DN đang gặp khó khăn về mặt bằng và gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư đến vị trí mới theo quy hoạch của quận, bảo đảm phát triển sản xuất lâu dài.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.