Mấy năm gần đây, tại một số tỉnh miền Trung xuất hiện những siêu dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà chỉ mới nghe qua quy mô đầu tư đã khiến “rụng rời chân tay” tất cả những ai quan tâm đến lĩnh vực này. Và điều đó giống như là “mốt” của chính quyền các địa phương khi nói về khả năng khai thác FDI.
Những dự án cỡ vài chục triệu, vài trăm triệu USD với khả năng giải quyết vài ngàn chỗ làm mới bây giờ không còn được ai chú ý nữa.
Những bãi biển đẹp của Đà Nẵng thu hút nhiều dự án FDI với quy mô ngày càng lớn. |
Sự xuất hiện một số dự án lớn như Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô của Anh và Nga (1,7 tỷ USD) ở Phú Yên, khu đô thị Capital Square của VinaCapital (325 triệu USD) ở Đà Nẵng, khu phức hợp resort cao cấp của Singapore (276,25 triệu USD) ở khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (TT-Huế), khu đô thị quốc tế Đa Phước của Daewon Cantavil Hàn Quốc (250 triệu USD) ở Đà Nẵng... đã nâng quy mô vốn FDI cấp mới của khu vực này lên 40 triệu USD/dự án, gấp 2,86 lần so với quy mô bình quân của cả nước (14 triệu USD/dự án).
Miền Trung - Tây Nguyên với hệ thống cảng biển nước sâu, sân bay đều khắp các địa phương, nhiều di sản văn hóa thế giới nổi tiếng, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế với cơ chế, chính sách vượt trội và định hướng phát triển một số ngành công nghiệp lớn có sức lan tỏa chính là lý do để cho khu vực này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết lợi thế của vùng. Bên cạnh đó, nhiều mặt xã hội phát triển chậm, chưa theo kịp mức bình quân chung cả nước, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tỷ lệ hộ đói nghèo, trẻ em suy dinh dưỡng còn cao. Những hạn chế, yếu kém trên đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do điểm xuất phát kinh tế thấp, thời tiết khắc nghiệt, hậu quả chiến tranh còn nặng nề. Song song đó là những yếu kém trong công tác quy hoạch nhằm tạo ra những khả năng liên kết vùng, thiếu một hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh để vừa phát huy nội lực, vừa thu hút các nguồn lực bên ngoài vào đầu tư phát triển, và quan trọng nhất là chưa phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương.
Tư duy đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân chính khiến miền Trung – Tây Nguyên không thể xuất hiện những địa phương được coi như “đầu tàu” về kinh tế, làm nhiệm vụ động lực thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh cho cả vùng. Rất may mắn là gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều các ý kiến phản biện về tình trạng đầu tư phân tán cũng như phê phán gay gắt tư tưởng cục bộ địa phương. Và thực tế cũng đã khẳng định trước những thời cơ mới, không phải cơ hội sẽ được chia đều cho từng địa phương.
Chẳng hạn, tại một cuộc hội thảo với chủ đề Ảnh hưởng của hội nhập kinh tế khu vực và Hành lang Đông - Tây đối với Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam cũng được tổ chức tại Đà Nẵng vào thời điểm cuối tháng 3-2008, ông Hidetoshi Nishimura, Trợ lý cao cấp của Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã nhận định rằng, nếu cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như thủ tục thông quan mạnh hơn nữa, chính Đà Nẵng chứ không phải địa phương nào khác ở miền Trung sẽ hưởng lợi gần như tất cả trên Hành lang kinh tế Đông Tây.
Nhận định của ông H.Nishimura dựa trên cơ sở phân tích của JETRO đối với 10 nước (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh) chịu tác động của các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Bắc - Nam (NSEC), phía Nam (SEC) và đường cao tốc châu Á số 1 cho thấy rằng Đà Nẵng trong mối liên kết giữa các nước trong Tiểu vùng Mêkông (Việt Nam, Campuchia, Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar) với thế giới qua cửa ngõ ra biển Đông ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) có lợi thế phát triển đến 100% trên EWEC cũng như trên đường cao tốc châu Á số 1.
Theo các chuyên gia của JETRO, chỉ với thực trạng của EWEC như hiện nay (mới có hơn 40km đường cao tốc đạt tiêu chuẩn trung bình) GDP của Đà Nẵng cũng đã có thể tăng thêm 1% vào năm 2025. Nếu xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc EWEC, chỉ số tăng trưởng sẽ là 1,13%, trong khi Savannakhet chỉ tăng 1,02%, Mukdahan 1,08%. Còn nếu cùng với điều đó là sự thuận lợi hóa thủ tục hải quan sẽ giúp GDP của Đà Nẵng đến năm 2025 tăng 2,29% so với 1,71% của Savannakhet (Lào) và 1,40% của Mukdahan. Tương tự như vậy, Đà Nẵng cũng chiếm số 1 về thu nhập bình quân đầu người ở miền Trung dưới tác động của EWEC với mức tăng 128,6% vào năm 2025.
Sự phát triển của Đà Nẵng chắc chắn sẽ tác động trở lại đối với sự tăng trưởng chung cho cả vùng, điều đó không có gì phải nghi ngờ. Cũng tại cuộc hội thảo nói trên, Nghiên cứu viên trưởng thuộc Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) ông Naoki Takesue cho biết, cơ quan này đã tổ chức thí điểm cho 11 công ty vận tải thủy, 4 công ty giao nhận và 3 công ty thương mại tham gia thực hiện 11 chuyến vận tải khứ hồi chở các lô hàng mẫu gồm tủ lạnh, linh kiện tủ lạnh, linh kiện xe máy, máy tính... trên tuyến đường bộ nối từ Bangkok tới Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh thông qua EWEC.
Kết quả, các công ty vận tải khẳng định khả năng vận chuyển bằng đường bộ từ Thái Lan, Lào tới Việt Nam qua tuyến đường bộ nêu trên là thành công, hàng hóa không bị hư hỏng. Tuy còn một số vấn đề về chi phí và thời gian nhưng đây là tuyến đường rất tiềm năng, bởi tính hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với phương thức vận tải bằng đường biển hoặc đường hàng không, bởi thời gian vận chuyển ngắn hơn và có thể giảm khối lượng hàng lưu kho.
Với một thị trường mênh mông xấp xỉ 20 triệu dân, các hoạt động thương mại của EWEC chủ yếu tập trung ở 6 địa phương của 4 nước (Mawlamyine, Phitsanulok, Khon Kaen, Savannakhet, Huế và Đà Nẵng) nhưng đương nhiên nhiều thị trấn thuộc các địa phương có EWEC chạy qua cũng sẽ nhận được những tác động kinh tế tích cực. Vấn đề là tại các địa phương chính trên EWEC phải được quan tâm đầu tư tập trung để nhanh chóng trở thành “đầu tàu”, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển cho cả khu vực.
Giang Thanh