.

Thuế nhập khẩu có làm tăng giá hàng điện tử?

.

Bộ Tài chính đã có quyết định tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu, góp phần giải quyết vấn đề lạm phát.

Theo đó, mức thuế nhập khẩu được điều chỉnh tăng lên từ 3-10% (tùy theo từng mặt hàng), trong đó có điện thoại di động (ĐTDĐ) và các thiết bị không dây được tăng thuế nhập khẩu từ 5% lên 8%. Từ đây, nhiều mặt hàng điện tử đã “đua nhau” lên giá.

Xoay xở với giá tăng

Nhiều mặt hàng điện tử đã được nhà bán lẻ tăng giá bán.
Vừa bước chân ra khỏi cửa hàng bán lẻ ĐTDĐ trên đường Lê Duẩn, anh Nguyễn Hải Sơn (phường Mỹ An) đã càu nhàu: “Mới tháng trước, chiếc ĐTDĐ Samsung đời 2008 được chào bán với giá 4,3 triệu đồng, do không đủ tiền mua nên hẹn tháng sau sẽ ghé lại. Hôm nay, giá của chiếc ĐTDĐ này đã tăng thêm 400 nghìn đồng. Lý do tăng giá được chủ cửa hàng giải thích là do thuế nhập khẩu tăng”.

Trước sự tăng giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu (trong đó có ĐTDĐ và máy tính xách tay), không ít người tiêu dùng buộc phải tạm hoãn các kế hoạch mua sắm. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi đối với những mặt hàng thiết yếu thì người tiêu dùng buộc phải “thắt bụng” chấp nhận mua sản phẩm nhập khẩu với giá tăng như hiện nay. Bên cạnh đó, không ít người tìm cách xoay xở để có được sản phẩm phù hợp với túi tiền.

Như trường hợp của anh Sơn đã đề cập ở trên, để tiết kiệm chi tiêu, thay vì phải mua chiếc ĐTDĐ với giá tăng thêm 400 nghìn đồng, anh đã tìm đến một cửa hàng bán ĐTDĐ đã qua sử dụng trên đường Hoàng Diệu. Tại đây, anh đã chọn được chiếc điện thoại còn mới 80% với giá 2 triệu đồng, trong khi ngoài thị trường, giá bán của chiếc điện thoại này là 3,2 triệu đồng.

Giá tăng do đâu?

Sau khi mức thuế nhập khẩu mặt hàng ĐTDĐ và các thiết bị không dây được điều chỉnh từ 5% lên 8%, từ nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán lẻ... đã đồng loạt tăng giá bán cho từng loại sản phẩm. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc điều hành Chi nhánh Công ty  CP Công nghệ Silicom tại Đà Nẵng cho biết: Vài năm trở lại đây, thường giá các mặt hàng điện tử, đặc biệt là ĐTDĐ, máy tính xách tay… chẳng ai dám nghĩ đến chuyện lên giá. Cách đây chưa đầy 5 tháng, 2 mặt hàng này còn được đưa vào danh sách sẽ giảm giá trong thời gian tới.
 
Nhưng sau khi có sự điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu, cộng với giá đồng USD tăng đột biến trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều mặt hàng điện tử đột ngột tăng giá. Tuy nhiên, một số mặt hàng điện tử tăng giá trong thời gian vừa qua không phải là do thuế nhập khẩu tăng mà do sự biến động tăng giá đồng USD. Chẳng hạn, một doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu 100 chiếc máy vi tính xách tay, hình thức thanh toán bằng đồng USD, trị giá 1.000 USD/chiếc. Thế nhưng, trước khi ký hợp đồng, tỷ giá đồng USD ở mức trên 16.000 đồng/USD, khi nhập hàng về tỷ giá đồng USD trong nước đột ngột tăng lên 18.000 đồng/USD, bắt buộc nhà nhập khẩu phải tăng giá bán sản phẩm.

Phân tích về sự tăng giá của một số mặt hàng nhập khẩu trong thời gian gần đây, Giám đốc một Chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho rằng: Khi các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ các nước, phần lớn phải thanh toán bằng ngoại tệ, nên khi đồng USD tăng buộc nhà nhập khẩu phải tăng giá bán. Nhà nhập khẩu tăng, kéo theo nhà phân phối, nhà bán lẻ cũng phải tăng giá bán lên. Và cuối cùng, người tiêu dùng phải gánh chịu. Thường thì trước khi ký hợp đồng, không ít nhà nhập khẩu phải nhờ một ngân hàng đứng ra bảo lãnh về vốn. Sau đó nhà nhập khẩu sẽ nhập hàng về rồi cung cấp cho nhà phân phối, nhà bán lẻ.
 
Tuy nhiên, giá lên hay xuống còn phụ thuộc vào thời điểm ký hợp đồng của nhà nhập khẩu. Nếu thời gian ký hợp đồng trước thời điểm điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu, đồng USD tăng giá, nhà nhập khẩu không bị thiệt hại. Thế nhưng nhiều hàng hóa nhập khẩu trên thị trường vẫn tăng giá bán ngay cả thời điểm thuế nhập khẩu chưa tăng và đồng USD chưa lên giá. Như vậy, không loại trừ trường hợp, một số nhà nhập khẩu lợi dụng vào sự điều chỉnh của thuế nhập khẩu, giá đồng USD tăng… trong thời gian vừa qua để đẩy giá bán lên cao, hoặc ghim hàng chờ “sốt” giá mới bung ra bán.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.