.

Tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất

.
(ĐNĐT) - Trong bối cảnh giá cả tiêu dùng liên tục biến động tăng hiện nay, vấn đề tiết kiệm càng trở nên quan trọng đối với mỗi cá nhân cũng như từng tập thể. Hơn bao giờ hết, bài toán cân đối hợp lý lại chi tiêu trong hoạt động hàng ngày cần được đặt ra nghiêm túc.

Anh L., Giám đốc một DN tư nhân thương mại ở Đà Nẵng, cho biết vừa quyết định đổi chiếc xe tay gas đời mới của mình sang chiếc xe số Wave-S trong việc đi lại. Khoản tiền dư ra từ đổi xe, anh mua được 1 chiếc xe đạp điện cho cô con gái năm nay sẽ vào lớp 10.

Mọi người giờ đây không chỉ quan tâm hơn mà còn cân nhắc hơn trong chi tiêu gia đình.

Vợ anh cũng vừa đồng ý trở thành “bà nội trợ” buổi sáng cho cả mấy bố con với việc nấu thêm bữa điểm tâm thay vì mỗi người một khoản tiền ra ngoài ăn sáng. Chị sẽ phải thức dậy sớm hơn, song đổi lại, không khí gia đình trước một ngày mới lại rộn rã hơn. Nhưng điều quan trọng với 2 vợ chồng, là những động thái đó khởi đầu cho kế hoạch cân đối lại chi tiêu gia đình hợp lý, để tránh những lãng phí tiền bạc không đáng.

Ở góc độ khác, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH BQ, cũng tiết lộ, tất cả nhân viên của ông trong nhiều tháng qua đã phải tuân thủ chế độ tiết kiệm các chi phí văn phòng phẩm, đi lại không cần thiết. Các khu vực kho đều được sắp xếp lại khoa học hơn để tránh mất thời gian điều chuyển hàng hóa. Các bộ phận bán hàng, văn phòng đều sẵn sàng chia sẻ, kiêm nhiệm vai trò của nhau để tăng chất lượng phục vụ khách. Các loại giấy tờ đều dùng 2 mặt để viết. Những bài toán này xem ra khá chi li, cụ thể, song con số tiết giảm chi tiêu theo ông Hải, là không phải nhỏ. Chính nhờ chủ trương tiết giảm đó mà BQ trong thời gian qua đã kiên trì được lựa chọn “không tăng giá bán sản phẩm” của mình.

Có thể nói, những biểu hiện trên dù không xảy ra ồn ào, nhưng trong bối cảnh hiện nay đã đang từ từ diễn ra với nhiều người, nhiều gia đình, nhiều DN, đơn vị. Nhiều người thừa nhận họ phải tập thay đổi những thói quen không đáng, để thích ứng hơn với mức độ tính toán hợp lý trong chi tiêu. Thay vì uống café ở quán sang trọng, nhiều người tìm được chỗ ngồi bình dân bên vỉa hè. Thay vì hả hê kết thúc bữa tiệc liên hoan, nhiều người đề nghị nhà hàng gói thức ăn thừa mang về. Trong các chương trình sự kiện, hoạt động thị trường của nhiều DN, đã thấy có những bản phác thảo lộ trình đi lại, chi phí xăng xe, kho bãi được đặt ra, bàn luận rõ ràng.

Anh Nguyễn Nguyên Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Tổ chức sự kiện Thế Kỷ, nhìn nhận những khoản tiết kiệm trong mỗi tính toán như thế, có thể giúp trang trải nhiều khoản trống tài chính mà trước đây, các đơn vị như anh thường phải lo cân đối vì lỡ bỏ sót. “Lâu nay có nhiều cái, nghe qua là người ta phẩy tay, coi là chuyện nhỏ. Nhưng bây giờ, phải nói lại, thấy rõ hơn, mức chi phí hữu hình và vô hình trong đó bao nhiêu, mới quyết định”, anh Long nhấn mạnh như vậy.

Có thể nói, áp lực giá cả gia tăng đang trở nên nặng hơn đối với mỗi người, mỗi DN, khi nhìn lại mức thu nhập, doanh thu có được. Đã đến lúc các bài toán từ vĩ mô về quy hoạch tăng cường hiệu quả mạng lưới giao thông công cộng, vấn đề chi tiêu công… cho đến vấn đề cụ thể ở từng bữa ăn, nhu cầu mua sắm trong mỗi gia đình phải được giải quyết đúng mức. Trong khi ai cũng kêu ca về nguy cơ tăng giá, thì đó đây vẫn thấy cảnh tiệc tùng thừa mứa, bia rượu say mềm, những khoản chi tiêu lãng phí trong hoạt động xã hội. Rõ ràng, thay vì chỉ nhìn ở góc cạnh phàn nàn, chỉ trích, thật sự mỗi người nên tự nhìn nhận để cân đối, bỏ bớt “cái tôi sĩ diện” để hợp lý hóa mọi chi tiêu hàng ngày.

Bớt đi những nhu cầu không cần thiết, giảm đi một phần những khoản chi tiêu có thể tiết giảm, tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất, điều ấy không chỉ giúp tiết kiệm cho mỗi người, mà còn góp phần giúp tạo động lực chung cho xã hội trong mục tiêu kiềm chế lạm phát hiện nay.

Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.