Người Đà Nẵng phải chịu trả mức giá giữ xe 5.000đ – 20.000đ/lượt xe máy trong các dịp lễ hội, liên hoan du lịch, hội chợ... Còn ngày bình thường, giá cứ nhảy lung tung từ 2.000 – 3.000đ/lượt. Nhà xe ghi giá một đằng nhưng thu một nẻo vì đủ loại lý do: “bữa ni giá rứa hết”, “xe ga mà”, “thêm 1.000đ chớ mấy!”...
“Ai mà giữ giá 1.000đ nữa” (?!)
3.000đ là giá giữ xe được áp dụng chung cho người tắm hay không tắm nước ngọt (Ảnh chụp trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc, ven bãi biển Mỹ Khê). |
Cãi thì cãi, chị vẫn móc túi lấy 2.000đ, trong lòng ấm ức: “Nếu mình không nói, người ta cứ lợi dụng tăng giá để thu giá cao hoài. Thời buổi “gạo châu củi quế”, một nghìn cũng quý chớ!”. Tình trạng trên xảy ra tương tự ở bãi giữ xe thuộc chợ Cồn. Ông Phan Quang Cả, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Cồn thừa nhận: “Nếu có người báo thu giá giữ xe quá quy định, chúng tôi sẽ lập biên bản ngay và truy thu doanh thu trên một ngày. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ mỏng, không thể cắm chốt thường xuyên được, nên chủ bãi cứ lén thu lên giá”.
Vậy là, để trả đúng với số tiền theo quy định, người đi chợ phải kỳ kèo trả giá, hoặc “ngậm bồ hòn làm ngọt” đưa tiền rồi đi cho nhanh: “Không lẽ có 1.000đ mà đứng cãi cọ, rồi mang lên Ban Quản lý, cực lắm!”, một người đi chợ Cồn cho biết. Các bãi giữ xe khác không thuộc tầm kiểm soát của Ban Quản lý các chợ cũng cứ nghiễm nhiên thu giá 2.000đ/lượt xe máy từ sau Tết đến nay, nếu ai thắc mắc sẽ nhận được câu châm chọc: “Thời chừ mà còn 1.000đ nữa hả bà chị?”.
Dọc các tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc và Nguyễn Tất Thành, có gần 30 bãi giữ xe tự phát, thu từ 2.000-3.000đ/lượt xe máy. Chỉ cần một mặt bằng tạm bợ: cắm cọc và rào dây chung quanh là đã có một bãi giữ xe. Giá 3.000đ được áp dụng cho người đi biển vừa giữ xe, vừa tắm nước ngọt, nhưng người không tắm nước ngọt vẫn bị thu y giá, không suy suyển. Dù không hề có dịch vụ tắm nước ngọt, chủ các điểm giữ xe ngay khúc cua Phạm Văn Đồng và Sơn Trà – Điện Ngọc vẫn thản nhiên: “Giá 3.000đ là bình thường thôi chứ mắc chi!”.
Chưa kể, lợi dụng các dịp lễ lạt, hội chợ, liên hoan du lịch, các điểm giữ xe tự phát tự ý nâng giá lên từ 5.000 – 20.000đ/lượt xe gắn máy. Chị Nguyễn Thu Hòa (phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê) kể lại: “Bữa triển lãm gốm sông Hồng ở Công viên 29-3, họ đòi 5.000đ/lượt, tôi không chịu đưa, họ kêu tôi tính toán, tôi phải cãi nhau một hồi mới “được” trả 1.000đ”.
Hiện nay, nhiều bãi giữ xe ở chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), các ký túc xá, Bệnh viện C, Bệnh viện Hoàn Mỹ... vẫn giữ đúng mức thu 1.000đ/lượt, chứng tỏ mức giá này vẫn hợp thời, và người dân ra - vô ở các địa điểm trên đều tỏ ra hài lòng.
Vào cơ quan hành chính Nhà nước, cũng mất tiền gửi xe
Quy định số 129/2007 ngày 2-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc”. Tuy nhiên, khi đến nhiều cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố như: Phòng Công chứng số 1 (đường Trần Phú), Phòng Công chứng số 2 (đường Trường Chinh), Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (đường Lê Lợi)..., người dân vẫn phải mất tiền gửi xe.
Bởi khi họ vừa trờ xe tới, những người giữ xe ở đó đã đón ngay, và đưa xe vào bãi của mình ngay trước cơ quan. Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Giám đốc Sở Tài chính giải thích: “Cái đó là người dân ở ngoài giữ”. Anh N.A.V (phường Nam Dương, quận Hải Châu) đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh xin tờ khai làm hộ chiếu phản ánh: “Tôi không gửi xe ngoài thì biết gửi ở đâu, trong kia đâu có chỗ giữ xe?”.
Về việc người giữ xe thu giá giữ xe trái quy định, ông Nguyễn Thanh Sang cũng nói rõ: “UBND quận phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường trên địa bàn quận xử lý”. Song, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường lại cho rằng: “Việc không chấp hành quy định về giá thì Thanh tra Sở Tài chính phải có trách nhiệm chứ! Cái gì cũng đổ cho Quản lý thị trường thì sao làm xuể?”.
Bài và ảnh: HẰNG VANG