Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian gần đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có nhiều buổi làm việc với công ty về tình hình SXKD và việc di dời nhà máy sản xuất, nhưng công ty không thể thực hiện di dời được do có những khó khăn.
Công ty CP Cao su Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn khi di dời. |
Hiện nay, diện tích đất sản xuất của công ty tại số 1 đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn là 12 ha, tài sản trên đất do đặc trưng của ngành sản xuất lốp cao su nên kinh phí đầu tư lớn, máy móc và trang thiết bị sản xuất hiện đại, sản xuất theo dây chuyền, đó là chưa kể hệ thống ống nước, trang thiết bị ngầm nằm sâu dưới đất nên thực hiện di dời tốn nhiều thời gian, cần phải xây dựng cơ sở mới đầy đủ mới tiến hành di dời được. Do đó, việc thực hiện chủ trương sớm di dời nhà máy trước năm 2010 là hết sức khó khăn.
Thứ hai, công ty có kế hoạch thực hiện di dời thành 2 giai đoạn. Vào cuối năm 2006, công ty đã tiến hành di dời giai đoạn 1, đó là đưa xưởng luyện và xưởng đắp lốp ô-tô lên KCN Liên Chiểu trên diện tích 15,703 ha. Công ty đã giao lại đất cho thành phố 2 ha. Giai đoạn 2 tiếp tục di dời toàn bộ cơ sở vật chất còn lại.
Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản, kiểm tra, đánh giá và thẩm định tài sản trên đất, trang thiết bị máy móc, kinh phí di dời, tổng dự toán đền bù giải tỏa và tổng dự toán hỗ trợ di dời là 151,7 tỷ đồng và đã hoàn tất thủ tục trong năm 2007, chờ UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định phê duyệt. Thế nhưng tháng 11 năm 2007, UBND thành phố Đà Nẵng trả lời chính thức cho công ty là dừng phê duyệt tổng dự toán hỗ trợ di dời với lý do không có nguồn chi. Chính lý do này đã gây ách tắc, làm cho công ty không thể di dời theo giai đoạn 2.
Trước những vấn đề đó, tình hình SXKD của công ty lâm vào khó khăn như sản xuất trì trệ, tiêu thụ sản phẩm giảm trên thị trường. Ngoài ra, do phân xưởng luyện và phân xưởng đắp lốp đã di dời lên KCN Liên Chiểu, trong khi hệ thống máy móc thiết bị hoàn thiện sản phẩm lại nằm ở số 1 Lê Văn Hiến nên tổ chức sản xuất bị chia cắt làm tăng nhân sự, chi phí quản lý, phát sinh chi phí thuê đất, chi phí vận chuyển vật tư...
Mỗi năm, công ty phải trả tiền thuê đất gần 1 tỷ đồng, trong đó bao gồm phải trả cả tiền thuê 60% diện tích đất được thuê ở KCN mà công ty chưa đưa vào sử dụng, cộng với các chi phí phát sinh vận chuyển qua lại từ hai nơi mỗi tháng tốn hết 150 triệu đồng, tổng cộng mỗi năm phải tăng chi phí lên tới 2,5 tỷ đồng.
Công ty bị mất đi nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư như không ký được hợp đồng liên doanh sản xuất lốp ô-tô với hai công ty Apollo và Ceat của Ấn Độ vì lý do năng lực sản xuất bị hạn chế, không có khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu khách hàng, vì công ty chuẩn bị di dời.Vì những lý do trên, lãnh đạo công ty cũng không biết khi nào mới thực hiện xong di dời để ổn định sản xuất?
Bài và ảnh: MINH TUẤN