.

Xài đồ bành mới sành điệu!

.

Dù hàng may mặc tràn ngập thị trường, người ta vẫn cứ xài đồ bành (có nơi gọi là đồ “si”) vì nhiều lý do: rẻ, bền, đẹp và... độc.

Đi xe hơi cũng “chơi” đồ bành

Tìm kiếm cái áo “độc”.
Chị T.H, có thâm niên trên 10 năm xài đồ bành, nói: “Nếu cho rằng chỉ có người thu nhập thấp mới “chơi” đồ bành là sai lầm! Như tôi đây, thu nhập khá, nhưng ít khi mua đồ mới, chỉ chuyên lùng sục đồ bành”. Khoái hàng “độc” là lý do đầu tiên quan trọng nhất để giới sành mặc tìm đến đồ bành. Theo chị T.H, mặc đồ bành không sợ đụng “hàng”, vì “Thứ nào cũng chỉ có đúng một cái, chứ đồ mới thì ra hàng loạt, mình mặc, người khác cũng mặc, dễ “quê” lắm!”.
 
Hai cô bạn Như Hằng và Ngọc Nhân, sinh viên năm 1 Đại học Kinh tế đang chọn lựa đồ bành tại tiệm Vân (đường Trần Phú) tiết lộ, nếu “hên hên”, sẽ gặp được bộ đồ hiệu chính cống (Tommy, Bossini, Adidas...) với giá chỉ khoảng trên dưới trăm nghìn. Mặc riết đâm... ghiền, người ta xem việc đi lựa, xóc tới xóc lui áo quần bành là đam mê của mình. “Không tiệm đồ bành nào ở Đà Nẵng không nhẵn mặt tôi!”, anh Nguyễn Tú (đường Hải Hồ) quả quyết. Còn chị T.H “Buồn buồn là xách xe vòng vòng lựa đồ”. Lựa đồ bành hóa ra lại là cách tốt để giảm stress, thư giãn đầu óc.

Áo quần mới hiện nay tràn ngập thị trường, với đủ loại mẫu mã, đa dạng sắc màu, nhưng đồ bành vẫn có lượng khách hàng của riêng mình. Anh Huy, chủ cửa hàng Vân cho biết: “Rất nhiều khách hàng của chúng tôi có thu nhập cao, đi xe hơi, mua đồ bành là chuyện thường”. Theo anh, đồ hàng hiệu nhưng còn mới (khoảng 80% - 90%) được dân sành chơi chuộng nhất. Họ có thể bỏ ra vài ba trăm ngàn, có khi cả triệu để “tậu” được đồ “ngon”, vì nếu mua đúng hàng này còn mới, giá có thể gấp 10 lần.

Rẻ, đẹp, bền

Gần 20 hàng đồ bành ở chợ Cồn luôn đông đúc người mua.

Đối với người có kinh nghiệm, vào tiệm nào, chỉ cần “tia” một lượt là biết ngay đồ đẹp, đồ xấu. Gặp phải “lô” hàng đẹp, phải tranh thủ mua ngay, chứ  cứ “cò kè bớt một thêm hai” mãi, thể nào người khác cũng “chớp” liền. Vì lẽ đó, không hiếm khi người mua ra về với túi đồ 10 cái quần, 30 cái áo (khoảng trên 2 triệu đồng). Cái “quái chiêu” của đồ bành là “không bao giờ lỗi mốt”, dù lúc nào cũng chỉ bùi bụi, bảnh bảnh, không quá thời trang, mặc năm này qua năm khác, tháng này qua tháng nọ đều được. Chị T.H có cái áo đầm thiệt bụi, mua chỉ 50.000 đồng, mà mặc mấy năm trời “vẫn đẹp, không suy suyển chút nào”.
 
Một người bán đồ bành ở chợ Đống Đa nhận xét: “Đường may trên đồ rất sắc nét, mặc bao lâu cũng không sút chỉ, dây kéo không bị hư, không bị xoạc. Nhiều hàng may không thể qua “phom” đồ bành được”. Ngoài đôi mắt tinh tường và gu thẩm mỹ để chọn được đồ đẹp, người mua phải có chút “thủ thuật nhỏ” để mua hàng giá trị với giá rẻ. Chị T.H khoe: “Cái váy ni tôi phải lộn trái cho người bán khỏi thấy cái nịt lưng đi kèm, nếu không họ sẽ hô lên cả trăm ngàn, trong khi tôi mua có nửa giá”. Mua về, chỉ cần giặt bình thường, ủi thẳng, hoặc thêm chút thuốc tẩy cho áo thật trắng là yên tâm “lên đồ” dạo phố. Người kỹ càng hơn, có thể mang áo quần đi... luộc. Một số địa chỉ được coi là “điểm hẹn” uy tín, được nhiều tay sành mặc chú ý là các tiệm đồ bành dọc đường Trần Phú, Hải Hồ, khu chợ Đống Đa...

Mười ngàn  3 cái áo!

Theo một số cửa hàng đồ bành trong thành phố, loại áo quần bán ít chạy, hoặc to quá khổ sẽ được “đẩy” ra các khu chợ, do đó giá cả đồ bành ở những nơi này rẻ rề. Từ khoảng 4 giờ chiều, khu đồ bành ở chợ Cồn đã xôn xao: “Mười ngàn 3 cái áo, hai ngàn cái quần đây! Mua dzô! Mua dzô!”. Ngọc Nhân cho biết, hàng ở các chợ chủ yếu là hàng “dạt”, nên chỉ thỉnh thoảng cô mới đi. Gặp hôm nào “tốt trời”, cô vẫn có thể tìm được hàng độc nếu khéo lựa và trả giá. Giá rẻ, phù hợp với người thu nhập thấp, nên khoảng 20 hàng đồ bành ở chợ Cồn bao giờ cũng ồ ạt người mua. Một bà nội trợ mua hàng ở đây vỗ vỗ vào bịch đồ: “Hai chục ngàn, mua được cả mớ cho mấy đứa nhỏ với ông xã mặc cho mát”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.