.
XUẤT KHẨU:

“Cắn răng” chờ qua cơn khốn khó!

.

Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2008, các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ yếu đều có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2007 nhưng với tốc độ thấp như: Đồ chơi trẻ em tăng 0,49%, cà-phê tăng 9,3%, hàng may mặc tăng 6,23%, thủy sản đông lạnh tăng 12,16%, da giày tăng 0,95% ... và hoạt động xuất khẩu hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn...

Vật tư có khi tăng tới... 300%

Khó khăn lớn nhất của các DNXK hiện nay vẫn là giá cả leo thang. DN tính toán, tổng chi phí vật tư trong 6 tháng đầu năm tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, giá cả từ đây đến cuối năm còn nhiều biến động khó lường. Trong đó, các chi phí đầu vào như hóa chất, bao bì, vận chuyển... tăng từ 158% đến... trên 300%.

Dù vậy, giá xuất sản phẩm sang các nước vẫn y nguyên, mà nếu có tăng, cũng tăng trong chừng mức, không thấm vào đâu. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước than phiền: “Thời buổi khó khăn, nước lớn cứ đẩy hết áp lực về cho nước nhỏ. Mình đành chịu, vì có nhiều nước còn chấp nhận bán giá thấp hơn mình để cạnh tranh giá, thử hỏi làm sao bán giá cao được?”. Nhiều DN cho rằng, XK là một trong những biện pháp kiềm chế lạm phát, nhưng chính sách riêng cho XK chưa thật rõ ràng.

Khó khăn tới mấy, doanh nghiệp cũng không cắt giảm nhân công. (Trong ảnh: Công nhân chế biến thủy sản tại Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang)


Ngay từ tháng 6, một số nơi đã không nhận được nguồn vốn vay từ ngân hàng và chưa được tiếp cận vốn từ quỹ hỗ trợ của thành phố. Thời gian qua, tỷ giá đồng USD có tăng, nhưng DN cũng chưa lấy làm phấn khởi. Bởi theo ông Thái Bá Nam, Giám đốc Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang, lợi nhuận thu được từ việc bán USD vẫn không đủ để bù lỗ.

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Lê Viết Tươi cũng công nhận: “Ngoài biến động giá nguyên vật liệu, biến động về tỷ giá USD cũng làm DNXK lao đao. DNXK có khi lãi, có khi không, thậm chí có những hợp đồng ký rồi vẫn không thực hiện được. Những rào cản kỹ thuật không đến nỗi ảnh hưởng lớn đến XK như hai yếu tố trên”.

Khó khăn tới mấy cũng không thể cắt nhân công

Và không còn cách nào khác, các DN phải “cắn răng” chịu khó, chia sẻ với khó khăn của Chính phủ, để chờ “ngày mai tươi sáng”. Những gì có thể làm để cầm giữ sản xuất, không để bị lỗ, DN đã thực hiện cả: Tăng sản lượng để giảm chi phí sản xuất cố định, tăng cường quay vòng vốn và khuyến khích tiền trả ngay cho đỡ áp lực tiền lãi vay, tăng tỷ lệ hàng có giá trị cao nhưng sử dụng ít nhiên liệu, điều tiết sản xuất... Riêng khoản cắt giảm nhân công là điều mà đa số các DN đều xua tay. Ông Trần Văn Lĩnh trăn trở: “Mình đâu thể giải quyết theo kiểu tư bản: Ưa cắt nhân công là cắt cái rụp. Sa thải công nhân là cách để giảm bớt khó khăn, nhưng rồi họ sẽ về đâu? Làm gì? Ăn gì? Thôi đành cố gắng để những năm tới bù vào cho năm này”.

Theo các DN, lúc này cả nước đang khó khăn, nên mọi thành phần trong xã hội đều cùng gánh vác trách nhiệm xã hội. Hơn thế nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng DN chia sẻ khó khăn, gần gũi để hiểu được những mối lo của DN và giải quyết vấn đề theo hướng hài hòa quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên.

Trước tình hình trên, ông Lê Viết Tươi cho biết: “Hiện ngành Công thương đang đề xuất thành phố cho DN vay tiền trong quỹ hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố, tuy không nhiều nhưng cũng là cách phụ thêm và động viên DN tiếp tục sản xuất trong thời điểm này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, mời các chuyên gia kinh tế phân tích và hướng DN tới những bước đi đúng đắn.
 
Đặc biệt, sẽ đề xuất các chính sách ưu đãi đối với DNXK về thời hạn tín dụng, thế chấp và thủ tục thẩm định khi thực hiện dịch vụ tín dụng; phối hợp với Cục Thuế, Hải quan, Cảng Đà Nẵng kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, giảm các chi phí trong hoạt động XK như thông quan, hoàn thuế…”.

 


Kim ngạch XK hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt 406,6 triệu USD, đạt 44,9% kế hoạch, tăng 11,14% so với năm 2007. Trong đó, XK hàng hóa ước đạt 257,1 triệu USD, đạt 47,2% kế hoạch, tăng 4,82%; XK dịch vụ ước 149,5 triệu USD, đạt 41,5% kế hoạch, tăng 24%.
 
Dự kiến, tổng kim ngạch XK trên địa bàn 6 tháng cuối năm ước đạt 453,4 triệu USD, cả năm ước đạt 860 triệu USD, tăng 24,2% so với năm 2007, đạt 95,03% kế hoạch.

Trong đó, XK hàng hóa ước đạt 272,9 triệu USD, cả năm ước đạt 530 triệu USD, tăng 14,64%, bằng 87,3% kế hoạch; XK dịch vụ 6 tháng cuối ước đạt 180,5 triệu USD, cả năm ước đạt 330 triệu USD, tăng 43,48% so với năm 2007, bằng 91,67% kế hoạch.

 


Bài và ảnh: T.NHAN

;
.
.
.
.
.