.
DOANH NGHIỆP ĐÀ NẴNG:

Năng động, đổi mới để vượt khó

.

(ĐNĐT) - Những khó khăn trong bối cảnh hiện nay đang gây áp lực đối với những doanh nghiệp (DN) sản xuất ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng từ đó, đã có không ít DN mạnh dạn tìm ra các phương thức đầu tư, chiến lược kinh doanh mới hơn để tiếp tục phát triển.

* Đổi sản phẩm phù hợp

Lựa chọn chuyển đổi sản phẩm được xem là hướng tất yếu của các DN Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam (Vietech) cho biết, với áp lực đầu vào ngày càng lớn, từ nguyên nhiên liệu cho đến nhân công, cho nên DN phải gác lại mọi sản phẩm không còn tính ưu thế thị trường, dù đó là sản phẩm đặc thù đi nữa.

Sản phẩm phục vụ đào tạo thực hành công nghiệp được Công ty Vitetech dùng thay thế cho sản phẩm có sẵn.
Mới đây, Vietech đã chuyển qua nghiên cứu chế tạo các bộ lập trình nhúng phục vụ đào tạo thực hành công nghiệp, điều khiển tự động cho các trường kỹ thuật, dạy nghề và công nhân nghề. Lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm của ngành giáo dục, trong khi nhóm sản phẩm lập trình điều khiển cho DN -  thế mạnh của Vietech từ trước đến nay - đang chậm tiêu thụ do các nhà máy dừng mở rộng đầu tư kỹ thuật. Nhờ đó, mấy tháng qua, DN của ông Đức mới có nguồn đơn hàng mới, và duy trì được sự bình ổn cho đơn vị mình.

Giám đốc Công ty TNHH Thanh Niên, ông Nguyễn Đắc Linh, cũng cho biết, dù định hướng sản phẩm trọng yếu của DN là đèn LED giao thông và sinh hoạt, song mới đây DN ông vẫn phải chuyển qua nghiên cứu thêm các bảng đèn quảng cáo điện tử. Mảng nhu cầu này hiện đang được nhiều DN quan tâm trong các hình thức quảng cáo, quảng bá thương hiệu. Kết quả là sau 3 tháng khó khăn với các hợp đồng đèn LED giao thông bị chậm thanh toán, hiện tại DN đã có những sản phẩm đầu tay được chấp nhận trong khu vực quảng cáo điện tử.

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ phải duy trì những bước đi song hành này trong một thời gian dài nữa mới có thể vượt qua những khó khăn ở trong thời điểm hiện nay”, ông Linh nói.

* Tăng cường hợp tác

Ở góc độ khác, ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng cho hay, phương án được đơn vị ông chọn tháo gỡ các khó khăn hiện nay là kêu gọi hướng hợp tác với các đơn vị cùng ngành. Tháng 5-2008 vừa qua, qua sự nhất trí cao giữa các thành viên góp vốn, hơn 29% cổ phiếu phát hành huy động vốn của công ty này đã được trao về Công ty Nhựa Bình Minh (thành phố Hồ Chí Minh). DN trở thành cổ đông chiến lược, trực tiếp bàn định phương án đầu tư, đổi mới nhà xưởng, định hướng sản phẩm chủ lực cho Nhựa Đà Nẵng giai đoạn tiếp theo từ 2009 – 2012.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải mạnh dạn nghĩ rằng, một thương hiệu chưa có sức cạnh tranh lớn nên chấp nhận hòa nhập, gắn kết cùng những thương hiệu đi trước khác, để cùng tạo sức phát triển mới”. Đây cũng là cách nghĩ của không ít DN Đà Nẵng về khả năng nhượng quyền thương hiệu, để tranh thủ thêm nguồn vốn, kinh nghiệm và cơ hội thị trường.

Hơn nữa, một khi đã tạo quan hệ hợp tác thương hiệu và thị trường, sức cạnh tranh của DN sẽ đổi qua hướng đòi hỏi chuyên nghiệp hơn. Ông Ngô Việt Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung, cho biết sắp đến, DN ông sẽ tiếp tục liên danh với các DN khác, mở rộng sản phẩm trên tinh thần phân chia công việc, tận dụng ưu thế của nhau. Không dừng lại ở sản phẩm cơ khí thủy công đang có, công ty này sẽ mạnh dạn đầu tư thêm lĩnh vực điện chiếu sáng dùng năng lượng xanh, chế tạo cơ khí điện tử giao thông công cộng. Theo ông Hải, toàn bộ các sản phẩm mới đó đều dựa vào sự liên kết sản xuất, hợp tác thương hiệu mà có.

Dưới góc nhìn của ông Lê Văn Đức, trong hoàn cảnh hiện tại, nếu DN chỉ ngồi than vãn và thụ động níu giữ một cách cứng nhắc các thành quả vốn có, chắc chắn sẽ chỉ lún sâu vào khó khăn. Cho nên, đã đến lúc xích lại gần nhau, cùng mạnh dạn làm mới lại chính mình, DN mới có thể tạo ra cơ hội vượt qua khó khăn và đi lên.

THỤY BẤT NHI

;
.
.
.
.
.