.
DỰ ÁN ĐƯỜNG GIAO THÔNG VÀ CẦU RỒNG

Dồn sức trước ngày khởi công

.

Trong tháng 7-2008, công tác chuẩn bị khởi công xây dựng tuyến đường dẫn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Sơn Trà - Điện Ngọc bước vào giai đoạn nước rút. UBND thành phố đã huy động tổng lực cho công trình này. Đây là một cuộc “xung trận” của các cơ quan, ban, ngành và các địa phương nơi triển khai dự án với hào khí của Cách mạng Tháng Tám…

Ào ạt xung trận

Phác thảo mô hình cầu Rồng.
Lần đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng một dự án mà có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành, DN… về công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện. Điều này nói lên tính chất quan trọng của dự án và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo thành phố. Ngày 18-7, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã “phát lệnh” đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án cầu Rồng và tuyến đường Nguyễn Văn Linh đến đường Sơn Trà - Điện Ngọc.

Hiện nay, nhiều đầu việc đã nóng lên với khí thế khẩn trương. Sở Giao thông Vận tải làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế cầu (Công ty Louis Berger Group, Inc - Hoa Kỳ) về việc hoàn tất phương án thiết kế. Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế công trình giao thông 5 lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục giao thông thoát nước đoạn tuyến đường Nguyễn Văn Linh đến chân cầu phía Tây (đường 2-9).

Ở tuyến đường phía Đông, việc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông công chính thực hiện. Trên hai cung đường trên, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng sẽ là đơn vị thiết kế kiến trúc cảnh quan và cây xanh. Các hạng mục này UBND thành phố giao cho Sở Giao thông Vận tải kiểm tra đôn đốc và thẩm định thiết kế, quyết định đơn vị thi công ngay trong tháng 9-2008.

Tính chất quan trọng của dự án còn liên quan đến công tác đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư. Đối với công tác giải phóng mặt bằng trực tiếp từ dự án liên quan đến 6 phường thuộc các quận Hải Châu, Sơn Trà. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư lan tỏa liên quan đến các dự án trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang với việc chuẩn bị hạ tầng tái định cư. Ngoài ra, dự án còn liên quan đến các hạng mục công trình kinh tế, quân sự, văn hóa… nên đòi hỏi có sự phối hợp và tổ chức thực hiện từ các cơ quan chủ quản.

Chuyển hướng sang Sơn Trà

Các hộ giải tỏa thuộc phường An Hải Tây được bố trí tái định cư chủ yếu vào dự án khu dân cư phía Nam cầu Trần Thị Lý.

Hiện nay, công tác đền bù giải tỏa đang được tiến hành khẩn trương bắt đầu từ việc giải phóng mặt bằng khu Trung tâm Thể thao Nguyễn Tri Phương. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông  công chính đã thực hiện xong phần giải tỏa, thu dọn mặt bằng. Được biết, khu vực phía tây dự án, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến sông Hàn có 335 hồ sơ đền bù giải tỏa trên phạm vi 3 phường gồm Phước Ninh 120 hồ sơ, Nam Dương 136 hồ sơ và Bình Hiên 79 hồ sơ. Do chưa hoàn thiện hạ tầng Trường THPT Trần Phú mới nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng chuyển hướng sang quận Sơn Trà.

Ông Trần Đình Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Trưởng Ban Quản lý các dự án công trình đường Bạch Đằng Đông cho biết, đơn vị đã thành lập mới một phòng chuyên môn để giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án. Không khí xúc tiến triển khai dự án đường nối bờ đông sông Hàn ra đường Sơn Trà - Điện Ngọc đang thực hiện hết sức khẩn trương. Tại phường Phước Mỹ có 625 hồ sơ nhà đất, phường An Hải Đông có 279 hồ sơ, phường An Hải Tây có 148 hồ sơ trong diện giải tỏa. Toàn khu vực quận Sơn Trà có gần 1.100 hồ sơ giải tỏa nhưng đến hiện tại chỉ còn 4 trường hợp chưa kiểm định, áp giá đền bù.

Theo chỉ đạo mới nhất từ UBND thành phố, khu vực phường An Hải Tây sẽ là tâm điểm để triển khai dự án bởi khu vực này có nhiều thuận lợi về tập kết vật tư xây dựng công trình cầu, hạn chế ảnh hưởng giao thông  đối với khu vực phụ cận. Ban Quản lý các dự án đường Bạch Đằng Đông đã trình phê duyệt bảng áp giá đền bù và tiến hành chuyển đến các hộ giải tỏa ở phường An Hải Tây. “Chúng tôi đang thực hiện dự án theo phương thức cuốn chiếu nên rất hiệu quả. Tiến độ thực hiện rất khả quan và sẵn sàng cho công tác chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Rồng từ phía bờ Đông thuộc địa phận phường An Hải Tây, quận Sơn Trà”, ông Quỳnh nói.

Thời gian qua, một số thông tin nói rằng có áp dụng tái định cư tại chỗ đối với hộ giải tỏa trên địa bàn quận Sơn Trà. Ban Quản lý các dự án công trình đường Bạch Đằng Đông khẳng định với phóng viên Báo Đà Nẵng là: không có phương án bố trí tái định cư tại chỗ, bởi dự án là công trình hạ tầng giao thông đô thị, không khai thác quỹ đất.

Thong dong nơi đi, gập ghềnh nơi đến

Tại dự án khu tái định cư đầu tuyến Nguyễn Văn Linh, công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng dường như đã hoàn tất đến khâu cuối cùng nhưng vẫn chưa triển khai thi công. Đơn vị chủ đầu tư cho biết, hiện còn 7 hộ dân khu vực đường Thi Sách vẫn “yêu sách”, chưa bàn giao mặt bằng. Khu kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu khu vực 5 vẫn chưa di dời. Khu tái định cư đường Phan Đăng Lưu còn nhà kho chưa di chuyển, không có mặt bằng thi công hạ tầng.
 
Trước đó, đơn vị quản lý đất là Công ty cổ phần Ô-tô hàng hóa đã được UBND thành phố giải quyết kiến nghị như cấp phép xây dựng đối với phần diện tích 3.000m2 đất để nhận quyền sử dụng đất tại cơ sở mới. Dự án khu tái định cư đường Bạch Đằng (Xí nghiệp Chế biến thủy sản Thuận Phước) vẫn vướng giải tỏa. Do đó, UBND thành phố đã có chỉ đạo UBND quận Hải Châu tiến hành xử lý hành chính đối với đơn vị chủ quản là Công ty cổ phần Thủy sản - Thương mại Thuận Phước do không chấp hành bàn giao mặt bằng và tiến hành tháo dỡ nhà xưởng theo phương thức khoán gọn.
 
Tại khu tái định cư 17 Hà Huy Tập, quận Thanh Khê còn vướng về giải quyết chính sách đền bù, hỗ trợ giải tỏa. Các khu tái định cư khác như khu dân cư số 2 Nguyễn Tri Phương, xưởng 38 và 387, các khu tái định cư A-B-C-D Nam cầu Cẩm Lệ thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang cũng đều gặp những trở ngại nhất định về công tác giải phóng mặt bằng.

Để tạo sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai dự án, công tác bố trí tái định cư được hướng về tâm điểm của dự án là địa bàn phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Theo đó, khu vực giải tỏa phường An Hải Tây không thực hiện tái định cư tại chỗ mà được bố trí tái định cư vào dự án Khu đô thị Nam cầu Trần Thị Lý.

Các hộ giải tỏa tại phường An Hải Tây sẽ có một phương án bố trí tái định cư riêng. Phương án này thuận lợi bởi quỹ đất tái định cư đã có sẵn và hạ tầng đã hoàn thiện. Các hộ có diện tích giải tỏa từ 300m2 trở lên được bố trí tái định cư ven trục đường Trần Hưng Đạo (khu Nam cầu Trần Thị Lý), quận Ngũ Hành Sơn. Hộ giải tỏa có diện tích thu hồi từ dưới 100m2 đến dưới 300m2 được bố trí ở khu dân cư Nam cầu Trần Thị Lý hoặc khu dân cư Mỹ An.

Ban Quản lý các dự án công trình đường Bạch Đằng Đông cho biết, việc bố trí đất tái định cư tuân thủ theo thứ tự ưu tiên như gia đình chính sách, hộ ký bản áp giá, nhận tiền đền bù, bàn giao sớm mặt bằng. 

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG 

;
.
.
.
.
.