Không nhiều vốn đầu tư nhưng các dự án: Khôi phục làng nghề nước mắm Nam Ô, xây dựng vùng rau chuyên canh, hỗ trợ nông dân nghèo trồng nấm… mà quận Liên Chiểu triển khai từ đầu năm 2007 đến nay đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất thiết thực.
Hồi sinh làng nghề
Một mô hình trồng nấm ăn hiệu quả ở Liên Chiểu. |
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Phòng Kinh tế quận cho biết: Không chỉ 58 hộ dự án chọn đầu tư còn có hơn 100 hộ khác cũng đã khôi phục thành công nghề truyền thống của mình. Hiện sản lượng đã vượt con số 200 nghìn lít/năm, thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng/hộ. Quận vừa đầu tư 31 triệu đồng mở quầy giới thiệu sản phẩm tại chợ Hòa Khánh. Về lâu dài, Hội làng nghề sẽ mở đại lý tại các địa phương khác để giới thiệu đặc sản nước mắm Nam Ô đến người tiêu dùng cả nước.
Chị Hà Thị Cúc, chủ cơ sở chế biến nước mắm ở tổ 12, phường Hòa Hiệp Bắc phấn khởi cho hay: Từ ngày khôi phục nghề chế biến nước mắm, thu nhập cải thiện rõ rệt. Nay sản phẩm được quảng bá rộng rãi, tiêu thụ khá thuận lợi, đang tạo cơ hội cho làng nghề nâng cao sản lượng. Hồi làng nghề chưa có chủ trương khôi phục, mỗi năm chế biến 3 - 4 trăm lít, bán rất chậm. Nay sản xuất 1.500 lít/năm vẫn tiêu thụ hết. Ông Lê Bốn, Chủ tịch Hội làng nghề rất phấn khởi: Vốn đầu tư cho dự án khôi phục làng nghề chưa đến nửa tỷ đồng, nhưng hiệu quả không hề nhỏ. Về kinh tế, gần 200 hộ đã có nghề ổn định, mỗi năm sản xuất
Tại một cơ sở sản xuất nước mắm Nam Ô. |
2 - 3 nghìn lít nước mắm loại cao đạm, thu 3 - 4 triệu đồng/tháng. Về xã hội, làng nghề thu hút nhiều lao động, đời sống nâng cao, con cái có thêm điều kiện ăn học, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi. Cái được lớn nhất là đặc sản của Đà Nẵng từng nổi tiếng một thời đã lại khẳng định vị trí xứng đáng trên thị trường. Theo ông, nếu được đầu tư lớn hơn, cùng với sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận hàng Việt Nam có uy tín, nước mắm Nam Ô sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa.
Vùng rau chuyên canh cho thu nhập cao
400 triệu đồng đầu tư cho 4 vùng rau chuyên canh là số tiền không lớn, song kết quả thu được khá lớn. Gần 40 hộ tham gia dự án đã cho thấy, sản xuất rau chuyên canh không khó mà cho thu nhập cao. Dẫn chúng tôi ra khu trồng rau cách nhà chừng 100 m, ông Phan Lợi, trú Thành Vinh, phường Hòa Khánh Bắc, khoe: “Rau tốt lắm, không ngờ khổ qua, dưa leo quả nhiều đến vậy. Hồi trước, vùng này hoang hóa, khi dự án mở ra, đất hoang biến thành vùng trồng rau lý tưởng. Tiếc rằng vốn đầu tư không nhiều, nên chỉ cải tạo nửa ha”.
Ngược lên vùng rau ở đồng Miễu, phường Hòa Khánh Nam, chúng tôi vui lây với niềm vui của những hộ canh tác tại đây. Từ vùng đất hoang hóa sát chân núi, nay đã hình thành những ruộng rau tươi tốt, mùa nào rau ấy, thu hoạch quanh năm. Báo cáo sơ kết 2 vụ rau trên 4 vùng dự án, kết quả rất khả quan: 36 tấn rau các loại đã thu hoạch, doanh số bán ra được 111 triệu đồng.
Trồng nấm sò thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng
Khi nghe cán bộ phường Hòa Hiệp Bắc cho biết kết quả nêu trên, chúng tôi chưa tin. Thế nhưng, khi mục sở thị mới hay con số đó là sự thật. Với số vốn hỗ trợ ban đầu chỉ 1 triệu đồng/hộ, không bằng tiền mặt mà bằng các bịch nấm đã cấy meo giống, quận Liên Chiểu đã mở đầu dự án hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận với nghề mới như vậy. Chị Nguyễn Thị Hường, ở tổ 25, phường Hòa Hiệp Bắc cho hay: Trồng nấm không có gì khó, chỉ cần tập huấn một vài buổi là làm được. Vừa qua, được hỗ trợ 300 bịch đã cấy giống, gia đình chỉ việc chăm sóc. Sau 2 tháng đã có thu hoạch. Tính ra thu 3 - 3,5 triệu đồng/tháng chứ không ít.
Phải nói rằng, những dự án không nhiều vốn đầu tư, nhưng có cách làm phù hợp, ở quận Liên Chiểu đã tạo ra lối sản xuất mới trong nông dân. Những hộ khác tự tìm đến với các mô hình đã thành công. Nhờ vậy mà các dự án quy mô nhỏ nêu trên đang có sức lan tỏa mạnh.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU