.
KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ PHÍA NAM

Phát lộ rõ nét về chuỗi đô thị liên kết vùng

.

Năm 2008, không gian đô thị phía Nam thành phố gồm các hướng nam, đông nam và tây nam thuộc các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang đang mở ra một diện mạo mới về phát triển đô thị. Những khu phố mới đang lan tỏa tạo ra sự kết nối về chuỗi đô thị liên kết vùng (Đà Nẵng - Quảng Nam) đúng theo phê duyệt vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 12-8-2008.

Xóa dần mạng lưới giao thông nông thôn

Đường phố mới trong khu dân cư Nam Cẩm Lệ.
Sự cách trở đò ngang cùng những con đường giao thông nông thôn đang dần được thay thế bằng những con đường đô thị. Một hệ thống giao thông đô thị lan tỏa về khu vực nông thôn. Theo quy hoạch, đường Mai Đăng Chơn phường Hòa Quý sẽ được mở rộng làm trục giao thông liên kết với đường và cầu qua Hòa Xuân với đường Nguyễn Hữu Thọ. Để có thể nối với trục đường Nguyễn Hữu Thọ, một cây cầu lớn sẽ được xây dựng nối hai bờ Đông và Tây sông Vĩnh Điện từ phường Hòa Quý lên phường Hòa Xuân. Từ đó liên kết với các khu đô thị ở phía Tây sông Vĩnh Điện (thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) lên QL 1A. Từ quy hoạch này và tuyến đường Cẩm Lệ - Miếu Bông được mở rộng từ năm 2005 đã làm tăng tốc phát triển đô thị khu vực phía Nam cầu Cẩm Lệ. Hiện các khu dân cư phía Nam cầu Cẩm Lệ đã được UBND thành phố điều chỉnh, phê duyệt đầu tư như khu A rộng 23,3 ha; khu B 89,7 ha; khu C 33,1 ha; hai khu D và E có diện tích 105,4 ha. Những khu dân cư này cùng với khu du lịch sinh thái Đồng Nò tạo nên bộ mặt đô thị mới ở phường Hòa Xuân, biến khu vực nông thôn ngoại thành thành khu đô thị mới sầm uất trong tương lai.

Ở phía Tây Nam, tỉnh lộ 606 đã được nâng cấp kết nối Hòa Châu - Hòa Tiến - Hòa Phong với điểm nhấn đô thị Túy Loan. Trước đó, một đề án quy hoạch tuyến đường vành đai giáp địa phận Đà Nẵng - Quảng Nam kéo dài từ Hòa Quý - Hòa Phước - Hòa Tiến - Hòa Khương đã được UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án Quốc lộ 1A và Liên Chiểu - Thuận Phước làm chủ đầu tư. Thành phố Đà Nẵng cũng đang đầu tư xây dựng các bến xe phía Nam tại Hòa Hải và Hòa Phước.

Lan tỏa

Trong đề án quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1995-2010 và tầm nhìn 2020 cũng chỉ đặt ra mục tiêu xây dựng Túy Loan, Hòa Khương, chợ mới Ba Xã (Hòa Phước) thành các thị tứ, thị trấn. Thế nhưng ở thời điểm năm 2008, một số địa danh trên đang dần trở thành phố thị. Không gian đô thị Đà Nẵng đang có sự lan tỏa về phía Nam. Cú hích tác động đô thị hóa mạnh mẽ lên vùng nông thôn này xuất phát từ việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Cánh đồng Gò Theo-Cẩm Lệ, nay là khu đô thị mới.
Các trụ cột giao thông chính gồm tuyến đường tránh quốc lộ 1A từ Nam Hải Vân - Túy Loan; quốc lộ 14B; nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước; đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa - Hội An; đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Một số quy hoạch khác đang nghiên cứu đầu tư gồm đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất; đường tàu lửa Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất…

Hướng phát triển đô thị phía Nam thể hiện rõ nét ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn. Từ một quận vùng ven, với đa số người dân làm nông nghiệp, quận Ngũ Hành Sơn đã được thành phố quy hoạch đầu tư xây dựng hàng loạt khu dân cư, khu đô thị lớn. Đầu năm 2008, khu tái định cư Bá Tùng 1, rộng 30 ha, nằm tại phường Hòa Quý, đã được Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng khởi công. Dự kiến giữa năm 2009, việc xây dựng sẽ hoàn thành cùng với hạ tầng bảo đảm bố trí tái định cư cho người dân. Trong năm 2008, 43 ha khu Bá Tùng 2 mở rộng cũng sẽ thi công. Khi hoàn thành, cả hai khu Bá Tùng 1 và 2 sẽ bố trí hàng ngàn hộ dân nông thôn khu vực Đồng Nò, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, nông dân phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn vào ở.

Trước đó, khu phố chợ Hòa Hải rộng 5,1 ha và khu phố chợ Hòa Hải mở rộng 12 ha đã hoàn tất hạ tầng. Kế khu quy hoạch phố chợ Hòa Hải cũng có một khu đất 34 ha dành để bố trí cho các hộ dân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Các khu đô thị Phú Mỹ An, Nam Non Nước, FPT kết liền với chuỗi đô thị Điện Ngọc (Quảng Nam) rộng hàng ngàn ha đang được xúc tiến đầu tư.

Những chuyến đò ngang qua phường Hòa Xuân trong vài năm đến chỉ còn là quá khứ.

Chung đường và chung một nguồn nước

Sự ra đời của các cụm đô thị từ phía Đà Nẵng đã có tác động đến sự phát triển đô thị tại tỉnh Quảng Nam. Rõ nét nhất là tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc và Đà Nẵng - Hội An đang đưa vùng nông thôn Điện Nam - Điện Ngọc đi dần vào đô thị hóa. Từ kết nối hạ tầng giao thông cùng với đà phát triển đô thị, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang dự kiến đặt tên đường chung với một sự trân trọng cho tình đoàn kết, hợp tác phát triển giữa hai địa phương ngày càng bền chặt và nâng lên tầm cao mới. Ngoài ra, những ký kết hợp tác phát triển giữa Đà Nẵng và Quảng Nam ngày càng đi vào chi tiết và được thực hiện cụ thể như Đà Nẵng cấp nước sinh hoạt vào Điện Ngọc; Quảng Nam cấp nước sinh hoạt ra Làng Đại học Đà Nẵng. Ở một hướng liên kết khác là kết nối khu đô thị công nghiệp Hòa Khương với Đại Hiệp (Đại Lộc), đồng thời tăng cường hợp tác quản lý và khai thác nguồn nước sông Vu Gia…

Bài và ảnh: TRIỆU NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.