.

Làm giàu không khó!

.

Đó là câu nói của người cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Đức Dũng (54 tuổi), trú tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu khi đề cập đến chuyện làm kinh tế. Trong gần 30 năm, ông đã bám đất để trồng mía. Có lúc tưởng chừng như trắng tay nhưng cuối cùng cây mía đã không phụ công người vun trồng.

Thất bại nối thất bại

Ruộng mía vừa được trồng mới.

Là thương binh hạng 3/4 phục viên, ông Huỳnh Đức Dũng bắt tay vào làm kinh tế. Năm 1979, bằng số tiền vay mượn của anh em họ hàng, ông phát đất hoang trồng mía. Thời bao cấp, cây mía của ông làm ra không tiêu thụ được. Sống dở, chết dở đến năm 1985 thì ông hủy ruộng mía vì không thu được lợi nhuận. Tuy vậy, cái sự yêu nghề như đã ngấm vào máu người CCB  này. Ấp ủ mãi đến năm 1999, khi thấy thị trường đã có chỗ đứng, ông Dũng quyết tâm trồng lại cây mía.

Nguồn vốn để tạo lại cơ nghiệp lúc này vô cùng khó khăn bởi sự vấp váp mấy năm về trước khiến họ hàng, bạn bè, làng xóm nghi ngờ về sự thành công của ông. Tuy nhiên, với ý chí làm lại từ đầu, ông dồn tâm huyết của mình vào từng nhát cuốc, ngọn mía.
 
Cây mía lớn dần cùng mồ hôi, công sức mà người chủ bỏ ra. Từ năm 1999 đến năm 2006, mỗi năm ông thu hoạch từ 30 đến 40 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Các khoản nợ dần được thu vén. Nhưng thành công không ngọt như quả táo chín. Năm 2006, cơn bão lớn ập vào làm tiêu tan bao công sức, tiền của của ông đã dồn cho cây mía suốt mấy năm trời. Người CCB này không chỉ tay trắng mà nợ nần càng chồng chất.

Tại trời chứ chẳng phải tại người, với suy nghĩ  ấy, một lần nữa, sau thất bại, ông lại tự gượng dậy. Vẫn với cây mía, người lính năm xưa lại “lọ mọ” với từng luống đất, ươm từng gốc mía…

Thành công luôn gắn liền với ý chí

Không phụ tấm lòng của người vun trồng, ruộng mía xanh um bạt ngàn trên 5ha đất đã cho những vụ bội thu. Được biết, ông Dũng chỉ có 2ha, 3ha đất còn lại ông thuê dài hạn của hàng xóm, bởi theo ông nói: “Làm thì làm luôn thể. Tính tui cũng hay liều nữa!”.

Đến xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, hỏi ông “Dũng trồng mía” thì ai cũng biết. Cái sự chăm chỉ làm ăn của ông đã có tiếng, cả việc năm lần bảy lượt ông “vấp” vì cây mía và việc ông làm giàu cũng chính từ cây mía “nức” tiếng một vùng. Sau hai lần thất bại, không nản chí, ông lại dồn sức cho cây mía, đến nay, diện tích trồng mía của ông đã cho lợi nhuận đáng kể. Số công nhân làm việc trong ruộng mía của ông khoảng 20 người, đến mùa thu hoạch, con số này có thể lên đến 25 người.

Để trồng mía, theo ông Dũng là dễ nhưng không đơn giản. Hằng năm, đất phải được cải tạo để không bị bạc màu. Giống cũng rất quan trọng. Phải chọn loại giống tốt, không có mầm bệnh, phù hợp với chất đất. Sau khi trồng được 2 tháng, mía phải được làm cỏ và bón phân. Mỗi vụ mía phải bón phân 2 lần, thường xuyên làm cỏ, tránh tình trạng cỏ lấn mía “ăn” hết chất dinh dưỡng. Sau khi mía lên, quan sát kỹ, phát hiện kịp thời những cây mía bị sâu và loại bỏ ngay. Lúc này phải chấp nhận nhổ bỏ những cây mía què quặt để nó không lây bệnh cho những cây chung quanh.

Khi được hỏi về gan làm giàu, người đàn ông nhỏ con với khuôn mặt rám nắng vì cả ngày gắn mình với ruộng mía cười ha hả: “Làm giàu không khó! Có điều phải có chí quyết tâm. Tui mà nản và sợ thì bây giờ nợ nần vẫn chồng chất chứ đâu được khấm khá như hiện nay. Đứng dậy sau khi vấp ngã mới thấy vị ngọt ngào của sự thành công. Mỗi ngày, tui bắt đầu lúc 4 giờ, về nhà lúc 18 giờ, có hôm 22 giờ mới rời khỏi ruộng mía. Tất nhiên là vất vả nhưng vui vì biết bao công sức, tâm huyết mình dồn vào nó, sau bao thăng trầm mình đã thành công”.

Ông Dũng cũng chia sẻ với  chúng tôi về dự định mà ông ấp ủ. Sang năm sau, ông sẽ thử sức với cây bắp lai, vì theo ông, bắp là loại cây trồng có vốn đầu tư thấp, lại nhanh cho thu hoạch. Có  thể chỉ là dự định, nhưng với bản tính “liều có bài bản”, người CCB này chắc chắn sẽ làm điều mà ông mong muốn và sẽ thành công với đầu óc biết tính toán và suy nghĩ.

PHAN HÀ

;
.
.
.
.
.