.

Làm giàu từ nuôi thủy sản

.

Những năm gần đây, đánh bắt hải sản khó khăn, nhiều hộ dân ở phường Thọ Quang đã phải bán phương tiện, tàu thuyền để trả nợ, rồi chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Và thực tế cho thấy, việc chuyển đổi này là đúng hướng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Thu hoạch cá mú tại bè cá của anh Nguyễn Văn Thanh.
Trước đây, gia đình chị Trần Thị Hoa, anh Nguyễn Văn Thanh cũng như nhiều bà con ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đời sống gặp nhiều khó khăn. Mỗi chuyến biển lời lãi chẳng bao nhiêu, nhất là khi xăng dầu tăng giá nhưng giá hải sản tăng không bao nhiêu. Vài năm trở lại đây, chị Hoa, anh Thanh chuyển sang nuôi thủy hải sản. Chỉ sau 2 mùa nuôi nghêu, cá mú, số nợ ngân hàng của những chuyến biển dài ngày đã được trả. Chị Hoa, anh Thanh bắt đầu nghĩ đến chuyện làm giàu khi thu nhập một năm từ 40 - 50 triệu đồng. Có năm, anh Nguyễn Văn Thanh còn  lãi từ 100 - 120 triệu đồng.

Anh Thanh cho biết, ban đầu mỗi hộ chỉ nuôi 2-3 lồng cá thương phẩm, 50 - 60m2 mặt nước nuôi nghêu. Khi đã có kinh nghiệm, anh tăng lên cả chục lồng với đủ các loại cá và hàng trăm mét vuông nuôi nghêu. “Giá xăng dầu tăng cao, ngư dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, cho tàu ra khơi thu không đủ chi, nợ ngân hàng vẫn hoàn nợ. Tôi quyết định bán tàu, bán nhà, vay thêm vốn ngân hàng, đầu tư vào nuôi nghêu, nuôi cá lồng xuất khẩu.
 
Tôi chủ động đến liên hệ với Trung tâm Khuyến ngư mời cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn cụ thể từ khâu chọn giống, cách chế biến thức ăn, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh..., rồi còn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm từ nuôi nghêu thắng lợi, tôi nuôi thử một số lồng cá nước mặn như cá mú, cá hồng….”, anh Thanh cho biết về cách làm giàu của mình.

Nhờ nuôi nghêu, gia đình chị Hoa đã vượt qua khó khăn.
Từ 1, 2 hộ nuôi thủy hải sản ban đầu, đến nay diện tích thả nuôi thủy sản của phường Thọ Quang đã hơn 500 m2 mặt nước với hơn 10 hộ. Nghêu thành phẩm bán tại đầm với giá 27.000 đồng/kg, cá mú 120 nghìn đồng/kg, cá hồng 180-200 nghìn đồng/kg... Thu nhập bình quân mỗi hộ từ 30-40 triệu đồng/năm.

Điều đáng trân trọng là dù phải đối mặt với khó khăn như lạm phát, dịch bệnh, thiên tai và những rủi ro khác từ quá trình sản xuất nhưng nhiều ngư dân đã tự tìm tòi thử nghiệm, tự lo toan vật tư, vay vốn ngân hàng, người thân, bạn bè, để có được nguồn thu nhập từ các hoạt động nói trên. Họ đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, sự cần mẫn, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng.

Anh Nguyễn Văn Thanh, người đi đầu trong nuôi trồng thủy sản của phường Thọ Quang cho rằng, bước đầu các hộ đã đạt được kết quả đáng mừng, nhưng vẫn còn manh mún, thiếu tính bền vững, chưa được phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư kinh tế mới trên địa bàn triển khai ngày càng nhiều, một số gia đình phải di dời nhà cửa, nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
 
Mong muốn của họ là sản xuất ổn định, lâu dài, vì vậy, các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp quản lý sản xuất. Các hình thức nuôi trồng cá thể, tự do phải được chuyển sang hình thức liên kết, hợp tác.

Bài và ảnh : NGỌC HUYỀN

;
.
.
.
.
.