.

Lao đao xe tải nhẹ

.

Trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, mức tăng giá dầu chỉ bằng một nửa so với xăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cung vượt cầu như hiện nay, việc tăng giá dầu đã buộc không ít chủ phương tiện phải chọn giải pháp bán xe.

Xe tải nhẹ xếp hàng chờ khách tại ngã Năm phía đông cầu Nguyễn Văn Trỗi.


Những ngày gần đây, đi trên một số đường phố, thỉnh thoảng lại bắt gặp chiếc xe tải nhẹ đỗ sát ven đường, phía trước ca-bin xe hay bên thành xe có gắn tấm biển “bán xe”. Theo giải thích của anh Phan Văn Tuấn - một chủ xe có thâm niên chạy xe tải nhẹ gần mười năm qua là càng chạy càng lỗ, vì với mức giá dầu 15.950 đồng/lít, mà dòng xe tải chỉ cần nổ máy cũng đã mất đứt nửa lít.

Mỗi sáng từ nhà chạy ra ngã Năm đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi đã hết 2 lít, thế nhưng chờ mỏi mắt cũng chẳng có ai đến gọi đi. Nếu đến chiều tối cũng không có ai gọi thì coi như ngày đó vừa đi vừa về mất 4 lít, tính ra hơn 60 ngàn đồng. “Chính vì vậy mà tôi quyết định bán chiếc xe này, mặc dù tôi chưa biết bán xe thì sẽ làm gì”, anh Tuấn thở dài.

Còn anh Trần Văn Cường, một chủ xe thường xuyên đỗ xe dọc đường Phạm Văn Đồng để chờ khách, phân tích kỹ hơn: “So với trước đây, giá vận chuyển phải tăng lên một ít để bù lại giá dầu tăng. Ví dụ, chở một chuyến hàng từ chợ Cồn về đường Phạm Văn Đồng, trước đây 180 ngàn đồng là đi được, nay phải nâng lên 200 ngàn đồng mới kiếm được chút ít, nhưng đúng thời điểm hiện nay khi nào thật cần thiết, khách mới thuê xe tải, còn lại chủ yếu thuê xe bò cho lợi”.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong “cộng đồng” xe tải nhẹ hiện nay chính là những trường hợp vay tiền ngân hàng để mua xe hành nghề. Theo anh Lê Dũng, một chủ xe thường xuyên “bám” ở khu vực ngã tư Thanh Khê và chợ Thanh Khê 6 cho biết, để mua chiếc xe Qinqi của Trung Quốc với giá 120 triệu đồng, ngoài số tiền tích góp của hai vợ chồng, anh phải đi vay thêm 80 triệu đồng nữa. Với lãi suất 1,2%/tháng như hiện nay, mỗi tháng phải trả ngân hàng gần cả triệu đồng nữa.

Nhiều người phải treo bảng bán xe.

Theo tính toán của anh Dũng, để đủ tiền sinh sống và nộp ngân hàng, ít nhất mỗi ngày trừ tiền dầu ra phải kiếm được 100 ngàn đồng. Theo anh, trước đây chừng nửa năm, kiếm số tiền này không khó lắm, vì thường xuyên có khách mua đồ cũ của những nhà giải tỏa tại khu vực này gọi để chở. Tuy nhiên gần đây, mặc dù lượng người đi mua đồ cũ vẫn không giảm, nhưng đa số gọi xe ôm, hoặc cùng lắm là xe bò. Trường hợp muốn đi xe tải, họ luôn trả với giá rất thấp nên không thể đi được.

Dạo qua hầu hết các điểm tập trung khá nhiều xe tải nhẹ hoạt động như phía đông đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi, hai đầu cầu Tuyên Sơn, đường  Phạm Văn Đồng, đường Điện Biên Phủ (đoạn gần tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê)… tất cả đều chung tình cảnh rất khó khăn trong việc tìm khách hàng. Chính vì vậy không ít người đã tính đến phương án bán xe để chuyển nghề. Tuy nhiên, thực tế nhiều xe được gắn bảng “bán xe” gần cả chục ngày qua, nhưng gần như chẳng có mấy người hỏi mua.

Khoảng hơn 5 năm trước, phong trào đi học lái xe và mua xe tải nhẹ về mưu sinh phát triển khá rầm rộ tại Đà Nẵng. Thời điểm đó, mặc dù lượng xe tải tăng nhanh, nhưng hầu như ai cũng có việc nhờ có nguồn khách hàng rất lớn là những hộ dân di dời nhà. Còn hiện nay, mọi việc hầu như thay đổi hoàn toàn. Thu nhập hằng ngày của họ đã giảm nhanh, điều này còn dẫn tới một hệ quả đáng lo là nhiều người mất khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.