.

Marketing thời hội nhập

.

Nghề marketing đã trở thành một nghề phổ biến và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong giới kinh doanh, thậm chí có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển hay thất bại của doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế mở cửa như hiện nay.

Nhiều… nhưng thiếu chuyên môn

Một buổi giới thiệu về sản phẩm điện thoại di động của hãng Samsung cho khách hàng.

Khoảng vài năm trước, đã có không ít DN sản xuất cho rằng: Yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của DN chỉ cần chất lượng sản phẩm là đủ. Yếu tố này đúng nhưng chưa đủ, bởi muốn đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thì DN cần phải xây dựng được đội ngũ marketing bài bản. Hầu hết các DN sản xuất, phân phối sản phẩm có quy mô ở Đà Nẵng đều có phòng, ban, nhóm… hoạt động riêng biệt trong lĩnh vực marketing nhằm nghiên cứu thị trường, thị phần, nghiên cứu đối thủ… để đưa ra những chiến lược phát triển lâu dài của DN.

Không được đào tạo bài bản về marketing, nên khi bước vào nghề, anh Trần Thế Quang - nhân viên marketing của một công ty chuyên phân phối dầu nhớt trên địa bàn thành phố tỏ ra bỡ ngỡ khi bắt đầu làm quen với công việc. Nhưng chỉ sau một năm gắn bó với nghề, chịu khó học hỏi, anh Quang đã được cử làm tổ trưởng tổ phân phối sản phẩm tại khu vực miền Trung.
 
Anh Quang kể: “Lúc mới vào thử việc, mình cũng chẳng hình dung được nghề này sẽ làm những công việc gì? Nhưng ngày nào cũng phải có mặt ở hầu hết các tiệm sửa xe, rửa xe, cửa hàng…, dò hỏi xem khách hàng ở đây thường dùng sản phẩm dầu nhớt gì? Ghi chép tỉ mỉ từng số liệu rồi về phân tích, đánh giá thị phần về sản phẩm của công ty đang cung cấp”. Theo anh Quang, việc nghiên cứu thị trường, đánh giá được thị phần… sẽ góp phần giúp công ty có kế hoạch và chiến lược kinh doanh hợp lý, đúng thời điểm.

Trước khi trở thành Giám đốc điều hành Chi nhánh Công ty  CP Công nghệ Silicom tại Đà Nẵng (một DN chuyên sản xuất và phân phối sản phẩm về công nghệ thông tin), anh Nguyễn Văn Lộc đã từng là nhân viên khảo sát thị trường, rồi đến nhân viên chào hàng, bán hàng... Nỗ lực theo từng ngày, đến nay anh đã vững vàng trong vị trí mới. Anh Lộc nói: ‘’Marketing chính là cầu nối giúp thương hiệu sản phẩm của DN trở nên thân thiện với khách hàng.
 
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nhiều DN ở Đà Nẵng là việc thu hút nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về lĩnh vực marketing, bởi phần lớn sau khi học xong, họ đều đến làm việc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Vì thế, các DN thường “chữa cháy” bằng cách tuyển dụng nhân viên không học đúng ngành về đào tạo từ đầu về nghiệp vụ marketing”.

Vai trò của marketing…

Có thể nói, sự thành công của một DN không thể không nhắc đến vai trò của những người làm marketing. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít DN dù có phòng kinh doanh, quảng cáo hay phòng chăm sóc khách hàng, nhưng hoạt động chỉ mang tính hình thức. Nhiều người còn có nhận thức sai lầm và cho rằng, marketing chỉ là việc phát tờ rơi ở ngoài đường hay chào hàng, tiếp thị…

Ở Đà Nẵng, nghề marketing đang dần thu hút được sự chú ý của nhiều DN trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, hoạt động tích cực và mang tính bài bản của nghề marketing mới chỉ có ở một số DN lớn và hệ thống các ngân hàng, khách sạn...

Trong nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, nếu các DN không tính đến việc dự đoán những chỉ số thành công trong kinh doanh một cách khoa học và chính xác, điều đó có thể dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Nếu xây dựng được một đội ngũ marketing có bài bản sẽ giúp cho việc kinh doanh của các DN hiệu quả hơn, và điều đó chắc chắn sẽ có lợi cho sự phát triển ổn định, mở rộng thị trường trong nền kinh tế hội nhập.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.