.
NUÔI CÁ NGỰA THƯƠNG PHẨM Ở ĐÀ NẴNG

Nghề mới đầy triển vọng

.

Cá ngựa thuộc loại hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao. Chính vì thế mà từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều nước trên thế giới đã bắt tay vào việc nghiên cứu để đưa cá ngựa từ thiên nhiên về nuôi trong các bể. Tuy nhiên, hầu hết những nỗ lực này chỉ mới đem lại thành công trong phòng thí nghiệm, nhưng khi nhân rộng đại trà đã không thu được kết quả như mong muốn.

Kỹ sư Lê Văn Thông đang chăm sóc cá ngựa giống tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Tại Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang cũng bắt tay vào nghiên cứu trong thời gian rất dài. Và cho đến nay có thể nói, những nỗ lực của Viện đã mang lại kết quả ngoài cả mong đợi trong việc hoàn thiện quy trình nuôi cá ngựa đại trà. Hơn thế nữa, Viện cũng đã thành công trong việc chuyển đổi màu sắc của cá ngựa, nhờ vậy “đầu ra” của con cá ngựa vốn đã rất lớn nay lại càng lớn hơn. Đó chính là lý do đề tài “Chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống và cá ngựa thương phẩm cho cộng đồng sống ven biển Đà Nẵng” ra đời.

Chính thức khởi động từ tháng 10-2007, nhưng đến tháng 3-2008, những con cá ngựa giống đầu tiên mới về đến Đà Nẵng. Theo kỹ sư Lê Văn Thông, thư ký đề tài, đồng thời là người trực tiếp nuôi những con cá ngựa này cho biết, thời gian chuẩn bị dài như vậy để bảo đảm cho việc nuôi cá ngựa sống với tỷ lệ cao.

Ngoài một cơ sở nuôi cá ngựa đặt tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, còn có 3 hộ dân khác (1 hộ ở Ngũ Hành Sơn và 2 hộ ở Liên Chiểu) cùng được chọn nuôi cá ngựa. Đến nay, cá ngựa đưa từ Viện Hải dương học Nha Trang về đều phát triển tốt. Sau số cá đẻ lứa đầu tiên, hiện nay cá ngựa được nuôi tại trung tâm và 3 hộ dân đều chuẩn bị đẻ lứa thứ hai. Đặc biệt, tỷ lệ cá ngựa nuôi sống tại Đà Nẵng xấp xỉ 80%, vượt xa mức đề tài đưa ra là 60%.

Một điều rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn của đề tài là nguồn thức ăn của cá ngựa mà Viện Hải dương học Nha Trang nghiên cứu tìm ra vẫn áp dụng tốt vào trong điều kiện môi trường ở Đà Nẵng. Tức là với loại cá giống, lượng thức ăn (coppepoda) cho ăn bão hòa (3-5 con/ml), đối với cá thương phẩm cho ăn mysis, ruốc hoặc artemia 4 lần đều cho kết quả tốt. Điều đáng nói ở đây là nguồn thức ăn coppepoda thu được từ các hồ nuôi tôm thịt và ruốc lấy ngay tại Đà Nẵng đã đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng cho cá ngựa.
 
Riêng với nguồn thức ăn mysis, mặc dù đã được Viện Hải dương học Nha Trang bảo đảm sẽ cung cấp đầy đủ ngay cả khi cá ngựa được nuôi đại trà, nhưng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành phố vẫn tích cực chuẩn bị phương án tìm nguồn thay thế từ vùng đất ngập mặn ở những tỉnh lân cận. Với những thành công này, theo Tiến sĩ Trương Sĩ Kỳ - người có nhiều công trình nghiên cứu về cá ngựa, cũng là chủ nhiệm đề tài, việc Đà Nẵng phát triển nghề nuôi cá ngựa nằm trong tầm tay.

Với đặc điểm nuôi khép kín, không ô nhiễm môi trường, đầu tư ban đầu không cao, việc nuôi cá ngựa thương phẩm tại Đà Nẵng là phù hợp. Đặc biệt, ở Đà Nẵng có khá nhiều người dân trước đây phát triển nghề nuôi tôm thịt, nay sẽ thuận lợi trong việc tận dụng hạ tầng này để nuôi cá ngựa. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hiệu quả của việc nuôi cá ngựa rất lớn. Ví dụ, với quy mô nuôi 5.000 con cá ngựa, chi phí cho cá giống là 1 triệu đồng, tiền công nuôi 1 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước 2 triệu đồng/tháng, tiền thức ăn hóa chất

5 triệu đồng, khấu hao thiết bị 4 triệu đồng, thì chi phí một vòng nuôi 5 tháng hết khoảng 25 triệu đồng. Giả sử với mức cá nuôi sống đạt 60%, giá bán 15 nghìn đồng/con, như vậy lãi ròng sau 5 tháng là 20 triệu đồng. Đây quả là con số rất ấn tượng, giúp cho những người làm nghề nuôi trồng thủy sản có thêm một nghề mới rất triển vọng.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.