Ở đâu trên mặt đất có màu xanh của cỏ cây thì ở đó có sự sống và màu xanh của hy vọng. Khó có thể trải rộng màu xanh đáng yêu này nếu đất cứ triền miên bạc màu vì sự không công bằng của thiên nhiên và nỗi vô tình của con người.
Chuyển cách sản xuất, đổi tên làng
Anh Lê Văn Tham là một trong những người đi đầu biến đất hoang hóa bàu Vân Dương thành hồ sen. |
Làm thế nào cải tạo vùng đất chua phèn này để người dân nơi đây “lạc nghiệp”?
Câu trả lời đã có sau năm 2005, khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Hòa Vang và Sở Thủy sản-Nông-Lâm (nay là Sở NN-PTNT) thành phố khảo sát lập dự án quy hoạch vùng nuôi cá nước ngọt trên toàn bộ diện tích đất xấu này. Anh Dũng nhớ lại: “Có cơ hội “đổi đời”, ai cũng phấn khởi. 21 hộ được Nhà nước hỗ trợ đào được 3,7 ha diện tích mặt nước, có mương dẫn nước từ hồ xuống, mương thoát nước từ ao cá ra cánh đồng trũng phía dưới. Mọi việc đều sẵn sàng, chỉ còn sức lực con người bỏ ra nữa thôi”. Cũng theo anh Dũng, năm 2006 chỉ mới khởi nghiệp, năm 2007 thì cả làng nở rộ mùa cá. Tính ra thu nhập từ cá bình quân cao gấp 3 lần lúa, các hộ nuôi cá điêu hồng, cá trê lai cao hơn.
Xã Hòa Phong có hơn 50 ha đất bạc màu, hầu hết tập trung ở phía Tây, trong đó nhiều nhất là thôn Khương Mỹ với hơn 30 ha. Việc chuyển đổi từ đất lúa chua phèn sang đào ao nuôi cá, theo anh Nguyễn Văn Châu - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp 2 Hòa Phong, là một hướng đi đúng. Anh bảo, chỉ qua một mùa trúng đậm, cái làng nằm heo hút dưới chân hồ Hóc Khế bỗng chốc đã được các thương lái cá nước ngọt biết tiếng với tên gọi mới là “Làng cá Khương Mỹ”.
Cứu đất, cứu người
Chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá, đất chua phèn dưới chân hồ Hóc Khế đã cho thu nhập đáng kể. |
11 ha đất nhiễm mặn dọc sông Cu Đê thì đến nay vẫn chưa giải quyết được. Trồng lúa không hiệu quả, chuyển 4 ha sang đào ao nuôi tôm, nhưng vẫn không khá hơn; theo ông Nguyễn Thu, phần do nước triều lên, phần do nước ô nhiễm từ KCN Hòa Khánh thải ra, chảy theo con mương từ cầu Bà Lụa xuống khe Cừa, đổ ra cống Bờ Giữa giáp ranh phường Hòa Hiệp Nam. Anh Nguyễn Tài ở tổ 1 Trung Sơn không còn lựa chọn nào khác: “Biết là nước ô nhiễm, nhưng các hộ trồng rau muống tụi tui không tát nước mương vô thì lấy nước ở đâu? Đất đã bạc màu rồi, chừ thêm nước ô nhiễm nữa thì làm răng nói tới năng suất, hiệu quả được”.
Vừa rồi, xã đã chi 3 triệu đồng để hỗ trợ cho bà con thôn Trung Sơn nạo vét, khơi thông con mương ô nhiễm này. Ông Thu phân trần: “Lúa đang trổ, không làm thế thì chỉ cần một trận mưa là nước ô nhiễm tràn vào ruộng, công sức đổ sông đổ biển. Chờ trên thì biết tới bao giờ, tự cứu đất, cứu mình là chính”.
Trả lại chiếc áo khoác cho đất
Ruộng Trung Sơn đã bạc màu, lại thêm nước mương bị ô nhiễm, dân chỉ còn biết “kêu trời”. |
Tuy nhiên, đối với các vùng đất dốc ở gò đồi, việc chống “suy dinh dưỡng” cho đất không phải là chuyện một sớm một chiều. Ngày trước, người dân miền núi đã biết cách xếp đá theo từng độ cao khác nhau để chống rửa trôi, bào mòn đất. Ở nơi thoai thoải, cứ cách 4-5 mét lại đào một hố cỡ 50x50 cm để giữ các chất dinh dưỡng, thỉnh thoảng vứt thực bì (lớp cây bụi gồm các loại cỏ, lau sậy... dưới tán rừng hoặc bao phủ bề mặt đất trống, đồi trọc) xuống đó cho hoai mục thành chất bổ, hơi tốn công (vì đất cứng) nhưng rất hiệu quả.
Nay, cách làm thủ công trên đã được thay bằng phương pháp trồng băng cây xanh theo đường đồng mức - đường bao quanh đồi, có cùng độ cao tại mọi điểm. Các băng cây này vừa làm tăng độ phì của đất, vừa hạn chế được xói mòn. Người ta chọn trồng các loại cây thuộc họ đậu (keo dậu, đậu tràm…) vì chúng mọc nhanh và là nguồn cung cấp phân xanh rất tốt. Quả đồi có nhiều đường đồng mức, nhiều lô, có thể luân canh nhiều loại giống, loại cây nên thu hoạch được nhiều vụ.
Về đề tài này, trong 10 năm qua, kỹ sư Thái Văn Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật Sở NN-PTNT thành phố Đà Nẵng đã hợp tác với các tổ chức nước ngoài thực hiện 2 dự án, trong đó Dự án “Canh tác nông nghiệp bền vững trên đất dốc” (gọi tắt là mô hình SALT) đã được thí điểm năm 2003 tại Tà Mun xã Hòa Bắc và sau đó là Hố Chình, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Theo đánh giá của kỹ sư Quang, mô hình này đã bước đầu thay đổi tập quán đồng bào Cơtu, từ du canh sang định canh, từ bỏ hoang hoặc chỉ trồng lúa chuyển sang trồng thêm nhiều loại bắp, đậu đen xanh lòng…, tổ chức chăn nuôi. Nhưng do đất quá xấu nên mô hình này tỏ ra không bền vững.
Theo Liên Hiệp Quốc, cứ mỗi phút trên thế giới có 10ha đất biến thành sa mạc. Diện tích canh tác trên đầu người đã giảm từ 0,5ha xuống còn hơn 0,2ha và trong vòng 60 năm tới chỉ còn xấp xỉ 0,2ha. Đừng nói đến phủ xanh trái đất khi con người chưa tìm cách trả lại “chiếc áo khoác” cho đất bằng cách xử lý nước thải công nghiệp, chất thải rắn đô thị, hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu... Và, trên hết là ý thức của con người đối với môi trường mình đang sống.
VĂN THÀNH LÊ