.

Rác thải và văn hóa kinh doanh

.

Câu chuyện nhập khẩu sắt thép phế liệu của một doanh nghiệp vào cảng Đà Nẵng đã gây xôn xao dư luận trong tuần qua. 434 tấn hàng đầu tiên cập cảng, UBND thành phố đã có quyết định tiêu hủy, còn khoảng 600 tấn hàng tương tự trên đường vào cảng sẽ được kiểm tra, xử lý ra sao?

Những container rác thải vẫn đang đổ bộ vào Việt Nam

Năm ngoái, tại một cảng phía Nam cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Nhưng lần này, chuyện nhập rác thải công nghiệp ở Đà Nẵng lại có thêm những chuyển biến đáng suy nghĩ: 1-Chỉ trong một ngày, cơ quan giám định khoa học là Quatest 2 đã đưa ra hai văn bản (cùng số) nhưng nội dung lại trái ngược nhau đã được lý giải là do lỗi đánh máy (!?), 2- Yêu cầu giám định lại lô hàng được cơ quan chức năng gửi đến các cơ quan giám định Quatest 1 và 3 đã bị từ chối vì lý do “tế nhị” (nhưng được biết là không có văn bản chính thức!), và 3- Theo tin từ các báo, dường như giám định bất lợi từ Vinacontrol tại Đà Nẵng đã không được chủ doanh nghiệp nhập khẩu đồng tình và họ đang muốn mời một đơn vị giám định nước ngoài nhập cuộc!

Cả 3 vấn đề trên đang biến thương vụ này trở thành một trường hợp điển hình về vai trò, trách nhiệm lẫn uy tín pháp lý của các cá nhân và cơ quan liên quan trong công tác trọng tài về các hoạt động khoa học  công nghệ lâu nay, mà câu chuyện nhập khẩu rác thải công nghiệp chỉ là một  ví dụ. Ở nước ta trong thời kỳ đầu của hội nhập, cũng đã có nhiều vụ việc mà các cơ quan giám định, kiểm tra chất lượng các thiết bị, máy móc nhập khẩu đã từng không làm hết trách nhiệm, dẫn đến khi đưa vào nghiệm thu, vận hành đã không bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật ban đầu tại một số nhà máy đường, nhà máy xi-măng... vốn được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Bài học đó, nay lại tiếp tục xảy ra ở khu vực kinh tế tư nhân.

Nhưng đó chỉ là một khía cạnh mang tính kỹ thuật và tài chính. Việc xuất khẩu thiết bị máy móc cũ, lạc hậu hoặc rác thải công nghiệp từ nước ngoài vào các nước đang phát triển đang là một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều nước công nghiệp phát triển với mục đích đẩy trách nhiệm về môi trường cho những nước nghèo. Những thương vụ như vậy đã bị luật pháp nhiều nước ngăn cản, nhưng vẫn diễn ra theo kiểu “con voi chui qua lỗ kim” bởi các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm và xử lý thiếu minh bạch.
 
Mặt khác, thiếu nhận thức về trách nhiệm cộng đồng của mỗi chúng ta cũng là vấn đề quan trọng mà các học giả về quản trị kinh doanh thường xếp vào khía cạnh “đạo đức kinh doanh” trong thời toàn cầu hóa và nêu ra nhiều cảnh báo gay gắt. Tiến sĩ Peter Senge, giáo sư môn Quản trị của Học viện kỹ thuật Massachusettes (MIT-Mỹ) trong cuốn Tư duy lại tương lai  (NXB Trẻ và VAPEC, 2006) cảnh báo: Sự thay đổi nhanh chóng công nghệ, toàn cầu hóa kinh doanh và sức ép tương tác từ hai nhân tố trên lên môi trường tự nhiên là các vấn nạn của con người ở thế kỷ 21.

Liên quan đến môi trường, Senge nhấn mạnh rằng hệ quả của việc kinh doanh thiếu đạo đức “đã khiến chúng ta sống ngoài vòng luật lệ của tự nhiên, chúng ta đã cùng nhau vận hành một hệ thống kinh tế  vi phạm những luật cơ bản của hệ thống tự nhiên” và “trong lịch sử của sự sống trong hành tinh này trước đây chưa từng có một chủng loài nào hủy diệt một cách có hệ thống các chủng loài khác cho đến khi có con người!” (Sđd, trang 210, bản tiếng Việt).

Đó là cách mà theo diễn đạt của vị giáo sư nổi tiếng này, khi thiếu văn hóa kinh doanh, con người chỉ biết lo cho hôm nay, càng nhanh càng tốt và hoàn toàn không nghĩ đến tương lai của cả chính cộng đồng của họ. Tiếc thay, những cảnh báo gay gắt đó lại vẫn ở ngoài tai những người có trách nhiệm.
 
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.