.

Thị trường bán lẻ trước giờ mở cửa

.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2009, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. Khi đó, các nhà phân phối nội địa sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhường chỗ cho các tập đoàn lớn của nước ngoài trong lĩnh vực này, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bắt nhịp với sân chơi hội nhập toàn cầu. 

Giờ “G” sắp đến

Khách hàng đến mua sắm tại siêu thị ngày một nhiều (ảnh chụp tại siêu thị Đà Nẵng).

Thời gian mở cửa thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang được tính theo từng ngày, nhưng hệ thống bán lẻ của các DN, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn tỏ ra như “chưa có chuyện gì xảy ra”. Đã có không ít nhà đầu tư tại Đà Nẵng cho rằng: Trong thời gian không xa, Đà Nẵng sẽ trở thành thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tuy nhiên, hệ thống bán lẻ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp và còn nhiều bất cập trước yêu cầu hội nhập.

Theo số liệu thống kê, hiện hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố có 89 cửa hàng đại lý kinh doanh xăng dầu, 204 điểm kinh doanh gas, 88 chợ, và hàng nghìn DN hoạt động một phần trong phân phối hàng hóa. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt trên 7.000 tỷ đồng.
 
Với 21 trung tâm thương mại, siêu thị đã được thiết lập và đi vào hoạt động, trong đó có 2 siêu thị nước ngoài, 6 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 15 siêu thị kinh doanh chuyên ngành, nhưng nhìn một cách tổng thể, những siêu thị được đầu tư bài bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, và phần lớn đều tập trung ở các siêu thị do các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Còn các siêu thị, cửa hàng bán lẻ do DN trong nước đầu tư đều có quy mô nhỏ, nên hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh đã gặp phải những khó khăn nhất định.

Cần sự liên kết, hợp tác

Nếu không có sự liên kết, hợp tác... các cửa hàng bán lẻ trong nước sẽ tự đánh mất đi thị phần trong thời gian tới.

Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng: Hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn theo tập quán và thói quen, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua các chợ và các cửa hàng bán lẻ độc lập. Hàng hóa được bán qua hệ thống phân phối ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi... chỉ mới định hình ở một vài khu vực trung tâm thành phố. Xu hướng chung hiện nay là các kênh phân phối hiện đại sẽ tăng lên và các kênh phân phối truyền thống sẽ giảm, đặc biệt là từ năm 2009, khi nước ta mở cửa hoàn toàn hệ thống phân phối hàng hóa. Điều này gây khó khăn cho các hộ kinh doanh gia đình, nhất là những khu vực xuất hiện siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. 

Nhiều cửa hàng độc lập sẽ phải đóng cửa, nhiều cửa hàng khác sẽ trở thành vệ tinh cho một chuỗi cửa hàng tiện lợi. Bị cạnh tranh trực tiếp và gay go nhất vẫn là các DN đang có hệ thống siêu thị của riêng mình, các hộ kinh doanh ở các chợ truyền thống.

Công tác tổ chức một hệ thống phân phối ở từng địa phương và toàn thành phố chưa mang tính chủ động từ khâu thu mua, kiểm định, sơ chế, đóng gói đến bán ra thị trường. Tính chủ động trong hợp tác liên kết, liên doanh, thu mua hàng hóa còn rời rạc, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn yếu, không tạo được sức mạnh tổng hợp. Hiện nay, các nhà phân phối và các nhà sản xuất vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do không có định hướng hợp tác lâu dài.

Để khắc phục những yếu kém trong hệ thống phân phối bán lẻ, các DN cần phải chủ động liên doanh, liên kết, hợp tác chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến lưu thông tiêu thụ hàng hóa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn lớn từ nước ngoài. Như vậy, hàng hóa của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng sẽ giữ được thị trường tiêu thụ, góp phần trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.