.

Tìm nguồn phân bón mới

.

Bà Huỳnh Thị Hồng, ở tổ 4 thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang có vẻn vẹn trong tay 1 sào ruộng do người khác cho mượn để canh tác, vì đất ruộng nhà bà đã giải tỏa hết giao cho dự án, vụ hè thu này bà rải đến 15kg phân hóa học các loại, gần gấp đôi số phân vụ mùa trước, nhưng cây lúa vẫn còi cọc như chẳng được săn sóc.

Lúa không phát triển là rải thêm phân hóa học

Ruộng rau màu của chị Nguyễn Thị Be ở phường Hòa Hải-khi giá phân hóa học tăng cao nên nhiều loại phân không được sử dụng.

Khi làm đất chuẩn bị cho vụ mùa mới hiện nay, bà Hồng bón lót đất bằng 2 bao phân hữu cơ hiệu Sông Gianh 40kg. Quy trình sử dụng phân bón cho ruộng của bà sau đó là: 10 ngày sau khi gieo, bà rải cho ruộng lúa 4kg phân urê để kích thích lúa lên; lúc dặm lại mảnh ruộng cho lúa đều, thêm 4kg phân NPK. 15 ngày sau, thêm 4kg NPK nữa. Thấy lúa lên không đều, màu lúa không xanh, không tốt bằng những mảnh ruộng khác, bà Hồng quyết định lúc lúa lên đòng rải thêm 3 kg phân urê. Tổng cộng 15kg phân cho 1 sào ruộng. Bà biết như thế này là vượt quá tiêu chuẩn, nhưng vẫn phải làm.

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ gặt, bà dự đoán mảnh ruộng đó sẽ mất mùa, không đạt như vụ trước. Bà cũng không hiểu nguyên nhân do đâu mà dù đổ vào đó rất nhiều phân, lúa cũng không xanh, nhiều và chắc hạt. Nguyên nhân cũng có thể do phân bón.  Nhưng phân lại mua của chính hợp tác xã, bà mua rời từng ký nên không thể biết đâu là phân thật, giả.

Ông Phan Ngọc Long, cũng ở tổ 4 Cẩm Nam cho biết, phân lân có thể thay thế phân chuồng; phân urê, NPK hỗ trợ cho lúa phát triển; phân kali dùng để “cầm” khi lúa quá tốt, giúp chắc hạt... Hơn 10 năm sử dụng rất nhiều loại phân hóa học cho đồng ruộng, ông Long nắm rất kỹ công dụng từng loại phân bón, nhưng không thể biết được mức độ bạc màu của đất khi ruộng được bón hoàn toàn bằng loại phân này.
 
Trước đây đến mùa làm đất, người nông dân bón lót cho mỗi sào ruộng ít nhất là 1 gánh phân chuồng, nhà nào không đủ thì bón thêm phân xanh, rơm đã ủ mục. Nhưng nay ít gia đình nuôi heo, bò nên phân hóa học làm nhiệm vụ thay thế. Dù người nông dân thừa biết có phân chuồng sẽ giảm các loại phân hóa học, nhưng loại phân đó giờ trở nên khan hiếm, chỉ dùng để trồng màu.

Giá phân cao, hoa màu cũng “sợ”

Người nông dân mua phân NPK hiện ở mức giá 28.000 đồng/kg, urê 12.000 đồng/kg. Giá phân cao ngất ngưởng nên nhiều người đã tìm giải pháp thay thế. Nhưng ngoài phân bò làm phân chuồng, phân heo không thể đứng trong danh mục bón ruộng được nữa do heo được nuôi bằng thức ăn gia súc, trong phân có muối, lúa lên không được. Một giải pháp khá khó khăn khi quyết định đối với ông Nguyễn Dư, ở đội 5 Bình Kỳ 1, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn là, chờ lúa lên 2 lá mới mua phân hóa học bón.

Chị Nguyễn Thị Be ở tổ 18 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn có 1.500 m2 đất trồng rau màu, chỉ còn bón phân NPK và urê, còn loại phân DKB đã ngừng dùng do giá quá cao (8.000-9.000 đồng/lon). Trước đây mỗi lần mua phân bón, chị Be thường mua nguyên cả bao NPK, nhưng nay giá cao chị chỉ có thể mua mỗi lần vài lon. Cũng may rau màu cần đến phân chuồng, giá mua lại rẻ - 300.000 đồng một xe công nông có thể dùng cả năm - nên chị đỡ lo phần nào, tức còn nhìn thấy lời lãi từ mảnh đất này và “trồng rau hơn trồng lúa”, chị Be đúc kết.

Trên đồng ruộng, phân bón có chất hóa học và các loại nông dược đang chiếm thế “thượng phong”, gây tốn nhiều chi phí sản xuất và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Một phương thức canh tác truyền thống như ủ phân xanh đang dần xa lạ với chính người nông dân, và hệ quả là những thửa ruộng phụ thuộc hoàn toàn vào phân  hóa học.
 
Hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, bền vững sau hàng chục năm dùng rộng rãi đến mức lạm dụng phân bón hóa học, người ta đã nhận ra mặt trái của nó: Làm cho đất bạc màu, mất cân bằng hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thức ăn cho người và động vật. Do vậy, con người đang nỗ lực tìm kiếm nguồn phân bón mới nhằm khắc phục hạn chế của loại phân này.

 
Công thức bón phân: 100% phân hữu cơ + 50% phân hóa học cho năng suất và hiệu quả tốt nhất.

Trường ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu dự án giúp nông dân cách ủ phân hữu cơ với thời gian 8 tuần theo phương pháp mới, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân:

Bà con có thể chọn nền đất bằng phẳng, trải bạt hoặc vật dụng không thấm khác để lót nền, rải một lớp nguyên liệu để làm phân như các loại rơm rạ, lá cây... với chiều cao từ một tấc đến vài tấc. Sau đó, tưới một lớp mỏng dung dịch chế phẩm sinh học TRICO-ĐHCT (đã được hòa tan với lượng nước thích hợp), rồi trải lên trên một lớp nguyên liệu làm phân. Cứ một lớp nguyên liệu lại tưới một lớp dung dịch, làm khoảng 1m3.
 
Sau đó, đậy kín đống ủ bằng bạt và đảo đều trong thời gian 6 tuần. Cuối cùng, tưới dung dịch có chứa các vi khuẩn cố định đạm, lân hòa tan vào, đảo đều và tiếp tục ủ khoảng 2 tuần là sử dụng được. So với cách ủ theo tập quán của nông dân, phương pháp này giúp phân trong thời gian ủ không có mùi hôi khó chịu, không mất chất dinh dưỡng và có thời gian ủ ngắn hơn. Phân hữu cơ ủ theo phương pháp mới, rau màu ít bị sâu bệnh, chi phí sản xuất giảm một nửa so với dùng phân hóa học nên lợi nhuận cũng cao hơn.
 

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.