.

Tỷ giá đồng USD giảm, hàng nhập khẩu vẫn giữ giá – Vì sao?

.

Trung tuần tháng 6, khi tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do đột ngột tăng giá lên mức trên 19.000 đồng/USD, ngay lập tức từ nhà nhập khẩu đến nhà bán lẻ đã có sự điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng nhập khẩu (HNK) theo tỷ giá của đồng USD. Đến thời điểm này, đồng USD trên thị trường tự do đã giảm xuống mức dưới 17.000 đồng/USD nhưng nhiều mặt HNK vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá, hoặc có giảm nhưng không đáng kể.

Tăng nhiều, giảm ít

Mốt số mặt hàng điện tử, điện lạnh giá bán đã giảm nhưng không đáng kể.
Ghi nhận của phóng viên vào ngày 30-7 tại một số cửa hàng, doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại di động trên các tuyến đường Hàm Nghi, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) cho thấy: Khi tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do đã giảm xuống mức bằng hoặc thấp hơn so với giá niêm yết tại Ngân hàng Nhà nước, số ít HNK đã có giảm giá, nhưng mức giảm không đáng kể theo tỷ giá đồng USD ở thời điểm hiện tại. Nếu trước đó, một chiếc máy vi tính xách tay được niêm yết giá 1.000 USD, tỷ giá quy đổi được cửa hàng tính là 18 triệu đồng/máy thì nay còn 17,5 triệu đồng, trong khi tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do đã giảm xuống dưới 17.000 đồng/USD.
 
Lúc tăng giá bán các HNK, hầu hết từ nhà nhập khẩu đến nhà bán lẻ đều lý giải: HNK đều phải thanh toán bằng đồng USD, và khi tỷ giá đồng USD tăng, dĩ nhiên phải tăng giá bán sản phẩm. Vậy vì sao khi tỷ giá đồng USD giảm, HNK lại chưa giảm giá bán? Giám đốc một DN kinh doanh máy vi tính trên đường Hàm Nghi cho hay: “Hiện một số hàng hóa nhập khẩu như máy vi tính, máy ảnh, điện thoại di động… đã giảm giá bán, nhưng mức giá tính tỷ giá đồng USD cho khách hàng có thể vẫn cao hơn tỷ giá bên ngoài thị trường từ 300 – 5.00 đồng/USD. Sở dĩ như vậy là do số lượng hàng hóa được các DN nhập khẩu đều “dính” vào thời điểm đồng USD tăng giá”.

Theo quan sát của phóng viên tại một số cửa hàng kinh doanh máy ảnh trên đường Phan Châu Trinh, lúc trước, khi tỷ giá đồng USD tăng, hàng hóa nhập khẩu ở đây thường được niêm yết giá bán bằng đồng USD, nhưng khi tỷ giá đồng USD hạ thì nhiều mặt hàng đã niêm yết giá bán bằng tiền Việt, nhưng tính ra giá của sản phẩm vẫn bằng với giá ở thời điểm đồng USD tăng giá.

Vì sao?

Phân tích về sự nghịch lý trên, ông Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đà Nẵng cho hay: Trên thực tế, tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do so với giá niêm yết tại Ngân hàng Nhà nước đã tương đối ổn định trong thời gian gần đây. Như vậy, nếu hàng hóa nhập khẩu vẫn giữ ở mức cao là không phải do tỷ giá đồng USD tăng.
 
Một nguyên nhân khiến HNK vẫn giữ giá là có thể khi tỷ giá đồng USD tăng mạnh, nhiều nhà nhập khẩu có dự đoán đồng USD còn tăng nữa nên đã “ghim” hàng chờ giá lên rồi bán. Khi tỷ giá USD giảm, số lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn còn nhiều, dẫn đến tình trạng các DN nhập khẩu chưa thể hạ giá sản phẩm ngay được. Ngoài ra, giá hàng hóa vẫn giữ ở mức cao có thể do giá nguyên liệu đầu vào tăng, mức chi phí cho sản phẩm tăng, cộng với những khó khăn về nguồn tài chính, lãi suất ngân hàng...

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.