Trong lúc vận tải hành khách các tuyến đường trung và xa tương đối ổn định, thì các tuyến đường gần có thể nói đang rơi vào cảnh hết sức lộn xộn do cung đã vượt cầu. Chính điều này đã dẫn tới hệ quả là nạn xe dù, bến cóc, xe chạy lòng vòng ngày càng nhiều.
Bài toán cung-cầu
Xuất bến xong, các xe lại dừng trước cổng để đón khách. |
Điển hình như tuyến Đà Nẵng-Huế, cứ 15 phút xe phải xuất bến, tương tự tuyến Đà Nẵng đi Đông Hà và Quảng Ngãi đúng 20 phút là xuất bến. Mặc dù công nhận việc có quá nhiều xe đăng ký hoạt động trên cùng một tuyến dẫn đến tình trạng xe xuất bến thường xuyên trong tình trạng vắng khách và có nhiều xe xuất bến xong không chạy mà đỗ ngay trước cổng để tiếp tục đón khách, hoặc chạy lòng vòng trên đường, tuy nhiên theo bà Trương Thị Hà, việc hạn chế số đầu phương tiện tham gia vận tải là không thể, bởi theo Luật Doanh nghiệp, nếu chủ phương tiện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nhà nước và được cấp giấy phép kinh doanh, sau khi đăng ký thì công ty phải có trách nhiệm bố trí lịch cho họ hoạt động.
Bất hợp lý này cứ tồn tại như vậy trong một thời gian khá dài, và chỉ hạn chế khi vào ngày 29-8-2007, các chủ phương tiện không chịu nổi tình trạng xe “chạy gió” quá nhiều, đã đề nghị Sở Giao thông vận tải chủ trì hội nghị bàn việc hạn chế xe đăng ký mới. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vận tải cho rằng, muốn có khách, các xe phải xuất bến theo khoảng thời gian ít nhất là 30 phút/lần.
“Quả banh” trách nhiệm bị “đá qua đá lại”:
Có thể nói ngay rằng, chưa bao giờ tình trạng xe chạy lòng vòng rước khách, sang khách dọc đường... lại diễn ra công khai như hiện nay. Trước tình hình này, đã có không ít lần các cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông cùng ra quân tuần tra kiểm soát. Và cứ mỗi lần như vậy, tình hình lại lắng xuống một ít, nhưng ngay sau đó lại bùng phát mạnh mẽ, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, tại khu vực trước cổng Bến xe Trung tâm thành phố, tình hình hết sức lộn xộn do có quá nhiều xe xuất bến xong đỗ lại để tiếp tục đón khách. Về vấn đề này, bà Trương Thị Hà tỏ ra rất bức xúc: “Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, các bến xe chỉ có quyền xử lý trong phạm vi khuôn viên của bến xe. Chính vì vậy mà trước cảnh lộn xộn ngay cổng bến xe nhưng chúng tôi cũng đành chịu”.
Trong khi đó, Cảnh sát giao thông Trạm Kim Liên thì giải thích: “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm giải quyết với những xe động, tức xe đang di chuyển trên đường, còn xe ở trạng thái tĩnh do Thanh tra giao thông xử lý”. Còn Thanh tra giao thông cũng nêu khó khăn: “Xe tĩnh là phần xử lý của chúng tôi, thế nhưng mọi động tĩnh của chúng tôi đều bị các chủ xe, lái xe theo dõi. Vì thế, chỉ cần chúng tôi chuẩn bị đến xử phạt thì ngay lập tức họ cho xe chạy”.
Cả Cảnh sát giao thông lẫn Thanh tra giao thông đều có cách lý giải riêng theo trách nhiệm và quyền hạn của mình. Điều này là đúng, tuy nhiên theo chúng tôi, bên cạnh những ràng buộc trên thì sự thụ động của cả hai đơn vị này cũng gây nên tình trạng lộn xộn trước cổng bến xe. Qua theo dõi của chúng tôi, cả hai lực lượng này mỗi khi làm nhiệm vụ thường “chốt” ngay tại quán cà phê ở phía trước lối đi vào bến xe.
Thi thoảng chạy xe một vòng rồi lại tiếp tục ngồi tại đây. Chính vì kiểu làm việc “cho có” như vậy, nên ngay cả lúc họ có mặt cũng không cải thiện được tình hình là bao. Hơn nữa, về giờ giấc trực của hai đơn vị này cũng chưa hợp lý, khi đa số họ làm việc theo giờ hành chính. Trong khi đó vào lúc sáng sớm, buổi trưa và chiều tối, hoạt động của xe dù đón khách diễn ra náo nhiệt nhất thì họ lại vắng mặt.
Khi những vấn đề này chưa được giải quyết thấu đáo và các cơ quan chức năng còn “đá quả bóng” trách nhiệm qua lại thì nạn xe dù, bến cóc vẫn tiếp tục tồn tại.
Bài và ảnh: THANH VÂN