Xin nói ngay rằng, vướng mắc lớn nhất của Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) ở thành phố Đà Nẵng năm nay là kế hoạch trên dưới vênh nhau dẫn tới không có vốn đầu tư. Ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân bổ chỉ tiêu các hạng mục của dự án cho thành phố Đà Nẵng bao gồm: bảo vệ 15 nghìn ha rừng, trồng mới 600 ha rừng tập trung, chăm sóc 840 ha rừng trồng 1-3 năm tuổi, tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Thế nhưng, do các bộ, ngành ở Trung ương và thành phố Đà Nẵng không có sự phối hợp về kế hoạch sử dụng vốn từ nguồn nào nên đến thời điểm hiện nay, nhiều hạng mục bị cắt với lý do không có kinh phí.
Cây giống đến kỳ trồng ở Ban Quản Lý rừng phòng hộ Đà Nẵng chưa biết giải quyết cách nào khi Dự án trồng rừng 661 năm 2008 không triển khai. |
Các bộ, ngành ở Trung ương cho rằng: Đà Nẵng là địa phương chủ động được ngân sách, kinh phí thực hiện Dự án 661 tự cân đối. Các ban, ngành liên quan ở Đà Nẵng nêu lý do, kế hoạch sử dụng vốn đã phê duyệt từ đầu năm, nay không thể thay đổi. Kết cục là, kế hoạch chỉ tiêu có, vốn thì không. Thực ra, các năm trước, nguồn vốn này Trung ương điều tiết toàn bộ. Năm nay lại khác, các địa phương cân đối được ngân sách phải tự chi, tương tự như nguồn hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân hiện nay. Tức là địa phương chi trước, Trung ương trả sau. Và thế là từ hơn 4 tỷ đồng cho dự án 661 năm 2008, nay bị cắt chỉ còn hơn 1 tỷ đồng. Hạng mục duy nhất cho phép triển khai đó là bảo vệ 15 nghìn ha rừng. Nhưng đáng tiếc, không phải bảo vệ 12 tháng/năm như trước mà rút lại chỉ còn 5 tháng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày Dự án 661 ra đời (1997) đến nay, thành phố Đà Nẵng không thực hiện đúng kế hoạch trên giao.
Dự án không thực hiện đúng kế hoạch làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, thu nhập và đời sống của 143 hộ đồng bào Cơtu ở xã Hòa Bắc. Thiệt hại lớn nhất phải kể đến là hàng trăm nghìn cây giống đã ươm gieo, lên xanh tốt, dự kiến mùa mưa tới trồng sẽ bị quá lứa, hư hỏng. Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đà Nẵng cho biết: Cuối năm ngoái, Ban đã chủ động ươm gieo 20 ngàn cây chò đen, 40 ngàn cây kiền kiền, 80 ngàn cây sao đen, 100 ngàn cây keo các loại, 13 ngàn cây phi lao, 20 ngàn cây gió bầu, với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nay kế hoạch thay đổi bất thường, số cây trên biết xử lý cách nào? Hiện Sở NN&PTNT cho phép đơn vị bán thanh lý, thu hồi vốn. Cây bản địa chỉ trồng ở các khu rừng phòng hộ.
Dự án không triển khai biết bán cho ai? Ngay cả keo lai, nhân dân cũng đã ươm gieo rất nhiều cho mùa trồng rừng tới. Thiệt hại thứ 2 là, rừng 1-3 năm tuổi không chăm sóc sẽ bị cây dại lấn lướt. Vốn đầu tư trồng 1-3 năm nay coi như không phát huy tác dụng. Còn đối với 143 hộ dân ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, không triển khai dự án, họ sẽ làm gì để có thu nhập khi những công việc ổn định hơn 10 năm qua không còn?
Ở huyện Hòa Vang, nỗi lo hằn sâu trên gương mặt các cán bộ phụ trách Dự án 661. Lo cây giống bị hư hỏng một phần, lo rừng không được chăm sóc đúng định kỳ sẽ hư hỏng, lãng phí công sức, tiền của đầu tư 2-3 năm nay. Ông Trần Văn Hiệp, Phó Phòng NN&PTNT huyện buồn bã cho hay: Dự án không triển khai, việc bảo vệ và phát triển rừng thiệt hại không nhỏ. Khi đã bỏ bẵng một vài năm, sau này khôi phục không dễ.
Chủ trương của Bộ NN&PTNT từ nay đến 2010, cả nước trồng mới 250 nghìn ha rừng tập trung, riêng năm 2008 trồng 50 nghìn ha. Theo báo cáo của Bộ này tại Hội nghị Tăng cường các biện pháp thực hiện các mục tiêu trồng rừng phòng hộ giai đoạn 2006-2010 vừa qua, các địa phương đều quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao. Riêng thành phố Đà Nẵng do khó khăn về vốn đã điều chỉnh kế hoạch.
Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng là chủ trương lớn của Chính phủ, với yêu cầu triển khai liên tục, phấn đấu đạt chỉ tiêu độ che phủ rừng đã đề ra. Hy vọng, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng sớm tìm giải pháp giải quyết khó khăn về vốn cho Dự án 661 kế hoạch năm 2008.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU