.
XIẾT LẠI TIÊU CHUẨN NHẬP KHẨU QUA CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP TỰ ĐỘNG:

Doanh nghiệp kẻ mừng người lo

.

(ĐNĐT) - Bộ Công Thương đã có Quyết định Số 24 (ngày 01-8-2008) quy định chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động cho nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng điện tử, điện thoại… Việc này sẽ xiết lại tiêu chuẩn hàng hóa với các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, song lại giúp các DN phân phối nội địa hạn chế nỗi lo cạnh tranh bất bình đẳng với hàng hóa trôi nổi trên thị trường.

DN nhập khẩu: Nhấp nhổm

Đại diện Trung tâm Bán lẻ Thiết bị di động FPT [IN] Đà Nẵng cho biết khả năng thời gian đến, quy mô hoạt động của đơn vị sẽ thu hẹp lại do tác động từ đầu nguồn nhập khẩu trong kênh phân phối của FPT. Lý do là yêu cầu xiết chặt hàng hóa nhập khẩu sẽ làm tăng thêm các bước thủ tục pháp lý, thời gian làm rõ nguồn gốc, chứng thực hợp chuẩn sản phẩm trong hệ thống phân phối của DN. Các nhà nhập khẩu quy mô như FPT sẽ bỏ chi phí nhiều hơn vì mỗi đơn hàng nhập khẩu lại phải xin cấp phép tự động.

Các DN kinh doanh sẽ an tâm hơn về hàng hóa nhập khẩu qua chế độ cấp giấy phép tự động với tiêu chuẩn chặt chẽ hơn.

Theo các DN có hàng nhập khẩu điện tử, điện thoại di động trên địa bàn Đà Nẵng, quy định mới của Bộ Công Thương sẽ xiết chặt cơ hội của họ và có lẽ họ sẽ chuyển hẳn hoạt động này cho các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Thay vì có thể tự động đăng ký các đơn hàng nhập khẩu nhỏ lẻ theo đúng nhu cầu kinh doanh, các DN sẽ phải cùng nhau ký các hợp đồng nhập khẩu lớn hơn, để san sẻ bớt các chi phí phát sinh và thời gian đi làm các thủ tục. Vấn đề được các DN băn khoăn là làm thế nào để khi thực hiện quy định mới này không nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ trương DN có quyền chủ động xuất nhập khẩu và chủ trương xiết chặt quản lý nhập siêu.

DN kinh doanh: Hài lòng

Trái ngược với các nhà nhập khẩu, hầu hết DN kinh doanh phân phối và bán lẻ tại Đà Nẵng lại tỏ thái độ ủng hộ chủ trương xiết chặt đầu mối nhập khẩu qua cấp phép tự động. Theo họ, năm 2005, trước đòi hỏi thông thoáng môi trường kinh doanh cho DN, Chính phủ đã đồng ý bỏ quy định dán tem hợp chuẩn trên các dòng điện thoại di động. Kết quả đến nay, thị trường Việt Nam đã trở thành điểm hẹn sung túc cho mọi nhãn hiệu sản xuất, mọi nhu cầu tiêu dùng “alô”.

Các dòng sản phẩm máy tính xách tay, thiết bị công nghệ thông tin phát triển mạnh, mang lại nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nạn gian lận thương mại, cạnh tranh bất minh giữa hàng trôi nổi giá rẻ và hàng chính hãng nghiêm túc đã xảy ra.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu tự động gồm:
- Đơn đăng ký nhập khẩu tự động: 02 bản theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quyết định này.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) đối với thương nhân lần đầu đăng ký nhập khẩu.
- Hợp đồng nhập khẩu: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
- L/C hoặc chứng từ thanh toán hoặc xác nhận thanh toán của ngân hàng: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
- Vận đơn hoặc chứng từ vận tải của lô hàng: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
- Báo cáo thực hiện nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Quyết định này đối với những lô hàng đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép trước đó (nếu có) kèm theo tờ khai hải quan có xác nhận thực nhập của lô hàng (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
(Trích điều 4 Quyết định 24-2008-BCT)

Vì vậy, với chế độ cấp phép nhập khẩu tự động, các mặt hàng điện tử, điện thoại khi trình hợp đồng xuất khẩu cũng đồng nghĩa phải có giấy tờ chứng thực hợp chuẩn sản phẩm. Đây là chi tiết giúp các DN phân phối nội địa an tâm hơn về quy trình kinh doanh và bảo hành hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi,  đại diện của các hãng điện thoại Siemens, Nokia, Samsung… tại Đà Nẵng nhìn nhận, yêu cầu mới sẽ thuận lợi cho các nhãn hàng đã đăng ký mẫu mã nghiêm túc. Các DN kinh doanh loại được nhóm sản phẩm không nguồn gốc khỏi kênh mua bán của mình.

Người tiêu dùng được lợi

Kết quả của chủ trương mới được cho là sẽ mang lại thêm nhiều cái lợi cho người tiêu dùng. Họ được tiếp cận thông tin rõ ràng hơn về hàng hóa nhập khẩu, với các chính sách bảo hành, giá cả minh bạch. Cảnh nhập nhèm giữa những hàng hóa trôi nổi với hàng hóa chính hãng sẽ giảm bớt. Hơn nữa, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các sản phẩm thương hiệu mới.

Anh Huỳnh Văn Hải, phụ trách Siêu thị điện thoại Nam Á, phân tích: “Một số sản phẩm điện thoại Trung Quốc đã có đăng ký chất lượng, bảo hành rõ ràng, như thương hiệu eTouch, lâu nay bán chưa tốt bởi người ta dị nghị “hàng Trung quốc”. Bây giờ hợp thức giấy tờ nhập khẩu, nhận thức khách hàng sẽ tốt hơn”. Theo một đại lý điện thoại BenQ, hàng Trung Quốc xưa nay bị đánh đồng với “hàng chợ trời” qua kênh buôn lẻ, xách tay, giờ sẽ được nhận diện lại với chất lượng nghiêm túc bên cạnh giá cả rất cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo các DN, những lợi điểm mới qua chủ trương xiết chặt đầu nhập khẩu sẽ chỉ phát huy khi khả năng kiểm soát thị trường cũng nâng lên tương xứng. Theo anh Hải, thị trường hàng tiêu dùng Đà Nẵng thời gian qua bị trộn lẫn nhiều mặt hàng kém chất lượng, không nhãn mác. Dù chúng chỉ chiếm phân khúc thị trường nhỏ, nhắm vào các đối tượng thu nhập thấp ở vùng nông thôn, ngoại ô, song vẫn ảnh hưởng các đơn vị làm ăn nghiêm túc. “Cùng với quy định xiết chặt thủ tục nhập khẩu, chúng tôi mong có động thái kiểm soát tốt hơn từ lực lượng quản lý thị trường, ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, kém phẩm chất len lỏi vào Đà Nẵng”, đại diện phân phối điện thoại FPT Mobile bày tỏ.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.