.

Dự án Khu đô thị Thủy Tú: Vướng mắc cần giải tỏa

.

Như vậy là đã hơn 1 năm rưỡi kể từ ngày UBND thành phố ban hành Quyết định số 4303/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị Thủy Tú từ 400ha xuống còn 59,48ha, thế nhưng tiến độ thực hiện dự án này vẫn rất chậm.

Hồ nuôi tôm chưa giải tỏa do vướng mắc trong đền bù.

Đến nay, việc giải tỏa đền bù mới đạt hơn 50% (33ha). Diện tích còn lại, việc giải tỏa gặp không ít vướng mắc. 23 hộ có hồ nuôi tôm thuộc dự án 773 kiên quyết không nhận tiền đền bù do chưa thỏa mãn với việc áp giá của cơ quan chức năng. Hơn 20ha vùng nuôi tôm công nghiệp chưa có quyết toán các hạng mục từ dự án trước. 4 hộ sát chợ Nam Ô thuộc diện giải tỏa mở đường vào khu đô thị này chưa chịu bàn giao mặt bằng, gây cản trở cho việc thi công, mặc dù chợ Nam Ô đã giải tỏa từ lâu.
 
Thực hiện đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng theo kiểu “da báo” dẫn đến chủ đầu tư bó tay trong việc xác lập chủ quyền trên vùng dự án (cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hiện tại, các hộ có hồ nuôi tôm chưa nhận tiền đền bù lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Triển khai nuôi tiếp không hiệu quả do dự án đã triển khai san lấp mặt bằng phía ngoài, phá bỏ hết hệ thống cấp thoát nước cho hồ tôm. Bỏ trống ao không nuôi thì không có thu nhập, đời sống khó khăn, mà chuyển đổi ngành nghề thì chưa có kinh phí. Đối với chủ đầu tư, việc đền bù triển khai quá chậm không thể thi công các hạng mục theo kế hoạch.

Đúng ra, việc giải tỏa đền bù tại dự án này triển khai thuận lợi và nhanh gọn, bởi khu vực cần giải tỏa chỉ là các ao tôm và đất trống thuộc dự án 773 và vùng nuôi tôm công nghiệp Liên Chiểu hình thành trước đó. Trong khi dự án nuôi tôm công nghiệp do quận Liên Chiểu quản lý từ ngày triển khai, việc đền bù không mấy khó khăn. Tại dự án 773, việc giải tỏa đền bù rối như canh hẹ, khi việc xác định nguồn gốc đất khá phức tạp. Có hộ khai phá đất hoang lập hồ tôm từ đầu những năm 90 thế kỷ trước được công nhận là chủ sử dụng hợp lý theo NĐ 64/CP.

Có khu vực ao tôm là của HTX cho một số hộ nhận khoán. Việc nhận khoán này qua nhiều giai đoạn. Tiếp theo đó là dự án 773, các ao tôm đã đưa vào dự án từ năm 1999. Hầu hết hộ có hồ tôm tại đây không có giấy tờ xác định chủ sử dụng hợp pháp. Đó là chưa nói, không ít ao hồ đã qua nhiều lần chuyển nhượng chỉ có giấy viết tay. Rồi việc đền bù theo vị trí, sự đầu tư xây dựng ao hồ… Ngoài ra, tỷ lệ trượt giá kể từ ngày có bảng áp giá đền bù đến ngày nhận tiền gây trở ngại không nhỏ.

Như vậy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tháo gỡ từng tý một. Bên cạnh đó, ngay từ đầu, chính quyền địa phương không xác định được cụ thể về nguồn gốc đất, giá trị đầu tư của từng hộ, từng khu vực, dẫn đến nảy sinh nhiều kiến nghị. Đó là chưa loại trừ một số hộ dân muốn trục lợi, đưa ra các đòi hỏi không hợp lý.

Các hộ ông Lê Thế, Huỳnh Văn Tiên đều ở tổ 10 Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) là những người tiên phong lập hồ nuôi tôm vào năm 1991, có nhiều hồ tôm tại dự án này. Ngoài diện tích tự khai phá đất hoang lập hồ được công nhận sử dụng đất theo NĐ 64/CP, cơ quan chức năng đền bù 100% giá trị, họ còn nhận khoán của HTX diện tích khá lớn.

Ông Lê Thế cho hay: Đến nay, gia đình đã nhận đền bù 2 “gói” thuộc số ao xác định được chủ sử dụng đất theo NĐ 64/CP, hiện còn hơn 1ha nhận khoán của HTX chưa được đền bù. Diện tích này đã có chỉ đạo từ UBND quận đền bù 60% nhưng nay vẫn chưa nhận được. Gia đình mong cơ quan chức năng giải quyết sớm để có thêm tiền chuyển đổi ngành nghề khác.
 
Đối với hộ ông Huỳnh Văn Tiên, ao hồ chưa đền bù còn hơn 2ha. Diện tích này hiện đang nuôi tôm. Tuy vậy theo ông Tiên, năng suất chỉ bằng 1/3 - 1/4 so hồi chưa hình thành dự án, do không có hệ thống cấp thoát nước. Hiện ông chỉ có nguyện vọng đền bù sớm để có tiền chuyển đổi ngành nghề.

Ông Dương Hữu Phước có 2.000m2 ao tôm  phàn nàn việc đền bù không công bằng nên ông không nhận tiền đền bù. Theo ông, cùng một ao, cùng nguồn gốc như nhau, thế nhưng nửa kia đền bù 100%, phần ao của ông sang nhượng từ người khác chỉ đền bù 60%. Cũng từ vướng mắc này mà ông liên tục kiến nghị lên cơ quan chức năng và không nhận tiền

Từ những vướng mắc nêu trên, Công ty CP Tài chính và phát triển doanh nghiệp (FBS) - chủ đầu tư - vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc giải tỏa đền bù để thi công các hạng mục theo kế hoạch. Ông Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng của công ty này cho hay: Hiện tại, 23 hộ có ao tôm trên vùng dự án đưa ra nhiều đòi hỏi mà chủ đầu tư khó chấp nhận.
 
Tính đến nay, công ty đã đầu tư cho dự án hơn 100 tỷ đồng, bao gồm san lấp mặt bằng 10ha, trả tiền đất và đền bù giải tỏa. Theo kế hoạch, việc đền bù tại dự án 773 phải dứt điểm vào cuối tháng 9 tới. Công ty kiến nghị Hội đồng đền bù tiến hành họp 23 hộ dân có ao tôm nhằm giải quyết các vướng mắc. Đối với dự án nuôi tôm công nghiệp, cơ quan chức năng của thành phố sớm quyết toán định giá các hạng mục đã đầu tư để công ty tiến hành chi trả...
 
Ông cũng cho biết thêm, việc giải tỏa do Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 triển khai, công ty chịu trách nhiệm chi tiền. Đầu năm nay, đã chuyển 3 tỷ đồng, hiện vẫn còn khoảng 800 triệu chưa chi trả. Về việc này, chúng tôi được bà Lê Thị Thu Diệp, kế toán trưởng của Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 cho biết: Tồn tại này do một số hộ dân không chịu nhận tiền theo thông báo. Như vậy, có giải quyết rốt ráo những vướng mắc này, dự án mới thực hiện đúng kế hoạch.
       
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU   

;
.
.
.
.
.