.
Người Việt dùng hàng Việt

Bắt đầu từ nhà sản xuất

.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, trú 90/6 Phan Thanh, Đà Nẵng: Trước hết, để người Việt dùng hàng Việt, điều kiện đầu tiên là chất lượng sản phẩm.

 

Phải thừa nhận hàng Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hàng nhập ngoại như giá rẻ hơn, lại có mạng lưới phân phối rộng khắp, dễ tiếp cận từ siêu thị, chợ... Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của những mặt hàng nội là tính ổn định của chất lượng sản phẩm. Điều này khiến cho sản phẩm nội mất đi tính cạnh tranh.
 
Thông thường, nhà sản xuất trong nước chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm ở những giai đoạn đầu mới sản xuất, còn sau đó giảm dần, hoặc những sản phẩm đã có thương hiệu thì bị làm nhái, làm giả, khiến người tiêu dùng lúng túng trong lựa chọn. Đơn cử như sản phẩm áo sơ-mi Việt Tiến, chỉ riêng trên thị trường Đà Nẵng đã có đến vài chục cửa hàng nhái theo thương hiệu này, khiến người mua không chỉ mất tiền do phải mua với giá cao bằng hàng thật mà còn phải sử dụng hàng kém chất lượng, gây thiệt hại uy tín cho Việt Tiến.

Ngoài ra, còn một hạn chế nữa đối với hàng thực phẩm là thường không bảo đảm an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, mẫu mã ít đổi mới, chưa hấp dẫn người tiêu dùng... Vì vậy, để người Việt dùng hàng Việt, trước hết chất lượng sản phẩm phải tốt, đổi mới phong cách phục vụ và hậu mãi...

Chị VÕ TRƯỜNG QUÝ, nhân viên Siêu thị điện thoại Nam Á: Cần phải thay đổi tâm lý sính hàng ngoại.
 

 

 

Qua báo chí tôi được biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 77% người tiêu dùng ưa chuộng thương hiệu nước ngoài. Điều này lý giải tâm lý sính dùng hàng ngoại để tỏ ra sành điệu, đẳng cấp của một bộ phận người tiêu dùng trong nước (chủ yếu là giới trẻ). Tuy nhiên, đây cũng là một nhận thức chưa đúng của người tiêu dùng.

Bởi trong suy nghĩ của họ, hàng ngoại bao giờ cũng tốt, cũng là số một. Còn hàng trong nước vừa kém chất lượng vừa không đẹp về mẫu mã, ít về chủng loại... nên gần như họ không quan tâm tìm hiểu. Trên thực tế, một số mặt hàng sản xuất trong nước, giờ đây có thể sánh ngang bằng chất lượng với hàng sản xuất từ nước ngoài.

Thậm chí còn vượt xa, nếu so sánh một số hàng Việt với hàng Trung Quốc. Nhưng tại sao người tiêu dùng vẫn sính hàng ngoại? Để trả lời câu hỏi này không khó, vấn đề quan trọng là phải thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, mà trước hết các nhà sản xuất trong nước cần phải chiếm được lòng tin của người tiêu dùng khi đưa ra một sản phẩm mới với các tiêu chí: bền, đẹp, giá phải chăng... Khi đã chiếm được niềm tin, tất yếu sẽ làm thay đổi dần thói quen sính hàng ngoại của người Việt Nam.

PHƯƠNG UYÊN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.