.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Đà Nẵng

.

Cuối tháng 9 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2005-2008 của địa phương, với điểm số đạt 72,18/100, đứng đầu cả nước năm 2008. P.V Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông TRẦN VĂN MINH (ảnh), Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xung quanh sự kiện này.                                   


 

* P.V: Thưa Chủ tịch, việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2008 vừa qua của địa phương cho thấy Đà Nẵng đã được nhận định là thành phố có nhiều tiến bộ ấn tượng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư cũng như hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp. Theo ông, thành phố cần lưu ý những điểm mạnh và yếu nào từ thang điểm chỉ số năng lực này ?

- Ông Trần Văn Minh: Nhìn vào thang điểm đã công bố, thành phố Đà Nẵng được đánh giá cao ở 4 chỉ số. Một là chi phí đầu tư gia nhập thị trường được 9,36 điểm. Hai là tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin được 7,92 điểm. Ba là đào tạo lao động được 8,4 điểm. Bốn là thiết chế pháp lý được 6,55 điểm. Các chỉ số này đều vượt qua những kết quả các năm trước, giúp thành phố giành vị trí dẫn đầu chỉ số PCI cả nước trong năm 2008.

Kết quả trên cho thấy, nỗ lực kết hợp hiệu quả giữa chính sách hỗ trợ của chính quyền và quyết tâm phát triển của doanh nghiệp tại địa phương. Có thể nói, so với trước đây, việc gia tăng chi phí đầu tư gia nhập thị trường của Đà Nẵng đã tiến một bước dài, không chỉ thuộc về đầu tư quảng bá thị trường của các doanh nghiệp mà còn ở các sự kiện được tổ chức của địa phương, giúp nâng cao hình ảnh thành phố.
 
Các sự kiện lớn như Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, hay việc công bố phấn đấu xây dựng “Thành phố môi trường”… đều thể hiện sự chú ý hoàn thiện các chính sách và điều kiện phát triển đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn mà thành phố nỗ lực thực thi. Đó là thành công cần phải được ghi nhận.

Kèm theo vấn đề này, là hiệu ứng tích cực về cải cách thủ tục hành chính, với cơ sở thiết chế pháp lý địa phương ngày càng hoàn thiện. Bộ máy công quyền và các ngành quản lý đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tăng cường trách nhiệm giám sát, phục vụ các doanh nghiệp và người dân, qua đó tạo nên quan hệ minh bạch về thông tin cũng như các điều kiện trao đổi, tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp tốt nhất.

Đương nhiên, cũng qua chỉ số này, chúng tôi nhìn thấy những hạn chế cần tiếp tục chỉnh sửa. Ngay với chỉ số đào tạo lao động, phải nói rằng hiện tại nguồn nhân lực của Đà Nẵng chưa hoàn hảo, còn nhiều lao động chưa qua đào tạo. Những nỗ lực mở rộng điều kiện đào tạo, tăng thêm cơ sở đào tạo của địa phương là có, nhưng phần lớn đều chỉ đào tạo lý thuyết, chưa giỏi thực hành nghề và tính ứng dụng còn hạn chế. Số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn có tăng, nhưng chưa giúp cải thiện đồng bộ nguồn nhân lực chất lượng cao ở đây.

Một số chỉ số khác của Đà Nẵng cũng chưa đạt yêu cầu qua công bố. Cụ thể, về điều kiện tiếp cận và ổn định sử dụng đất tại địa phương mà nhiều năm qua thành phố tuy đã rất nỗ lực, với các giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhưng qua điều tra cho thấy, vẫn có doanh nghiệp cho rằng họ thiếu mặt bằng kinh doanh, hạn chế khả năng mở rộng đầu tư; rủi ro khi thu hồi đất và thay đổi hợp đồng thuê đất là cao, trong khi khả năng giải quyết công bằng các tranh chấp lại còn thấp.

Với chỉ số các chi phí không chính thức phát sinh trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp, có 42% doanh nghiệp cho là phải tốn các chi phí ấy khi triển khai các công việc thường xuyên. Điều này đòi hỏi địa phương phải nghiêm túc và mạnh mẽ hơn trong triển khai các cơ chế một cửa liên thông, giám sát thủ tục, phòng chống nhũng nhiễu ngầm trong bộ máy. Tôi cho rằng đây là một chi tiết rất đáng coi trọng và chú ý thực thi.

* P.V: Vậy thưa ông, sau sự công bố này, thành phố Đà Nẵng cần có tiếp những vận động như thế nào để giữ vững và phát triển các chỉ số đã đạt,  ngày càng hoàn thiện hơn môi trường đầu tư của địa phương?

- Ông Trần Văn Minh : PCI chỉ là chỉ số tham khảo, chứ không phải là thước đo năng lực cạnh tranh của địa phương. Phía sau chỉ số này, còn có những vấn đề thuộc về cơ sở hạ tầng, CNTT, ứng dụng khoa học công nghệ… mà Đà Nẵng có  lợi thế, cũng như các chính sách phát triển kinh tế tư nhân mà Đà Nẵng vẫn còn vướng mắc. Do đó, nhằm hoàn thiện hơn môi trường đầu tư và xúc tiến đầu tư vào địa phương, cần có những quyết tâm hợp tác cao hơn giữa các nhà đầu tư cùng với các cơ quan quản lý và ngay cả với chính quyền thành phố. Theo tôi, có 3 vấn đề chính cần chú ý:

Lắp ráp linh kiện điện tử ở một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng.   Ảnh: NAM PHƯƠNG


Thứ nhất, đó là tiếp tục vận động để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ngăn chặn triệt để mọi hình thức vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quan hệ với doanh nghiệp, tạo niềm tin được phục vụ chu đáo và tích cực với họ. Cùng vấn đề này, thành phố tiếp tục rà soát, đào tạo và bồi dưỡng phẩm chất, năng lực chính trị, chuyên môn sâu cho nguồn nhân lực quản lý tại địa phương, tiếp tục thu hút nhân tài và đãi ngộ xứng đáng người có năng lực, có công đóng góp vào sự nghiệp chung.

Thứ hai, xem xét hiệu chỉnh và bổ sung các cơ chế, chính sách nội tại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các cơ hội phát triển làm ăn tại đây. Những hướng kêu gọi đầu tư sâu vào hạ tầng kỹ thuật, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và dịch vụ phải được cổ vũ động viên. Chú ý các vấn đề môi trường, cơ hội thị trường, thời gian thực thi hiệu quả đối với từng dự án mời gọi, giới thiệu đầu tư. Chủ động trao đổi và lắng nghe các phản ảnh từ cơ sở, doanh nghiệp để hoàn thiện điều kiện ưu đãi, giám sát đầu tư tại địa phương.

Thứ ba, công tác truyền thông, thông tin về môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ đầu tư của thành phố phải được cải thiện thêm, đồng bộ với các tiêu chí cạnh tranh đã làm được. Phải biến các hoạt động thi đua ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước thành chương trình vận động chung cho toàn thành phố, với mục tiêu không ngừng cải thiện môi trường cuộc sống, môi trường đầu tư ở Đà Nẵng. Tận dụng và khai thác tốt các sự kiện quảng bá, chương trình vận động về mặt thông tin để đưa hình ảnh Đà Nẵng thân thiện và tích cực đến với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

* P.V: Cảm ơn ông!

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh Việt Nam (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

VNCI là dự án phát triển kinh tế do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Công ty Development Alternatives Inc (DAI) điều hành.
Chỉ số PCI được xây dựng nhằm lý giải nguyên nhân tại sao một số tỉnh, thành Việt Nam lại có được sự phát triển năng động trong khu vực kinh tế dân doanh, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế; bằng cách điều tra, lấy ý kiến đánh giá của doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh ở từng địa phương, và kết hợp dữ liệu với các số liệu so sánh thu thập được từ các nguồn chính thức về điều kiện ở địa phương.

Chỉ số PCI cho điểm các tỉnh được tính theo thang điểm 100.

(Nguồn: www.pcivietnam.org)


SƠN ĐỨC (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.