Một trong những hướng đi mà Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm TP. Đà Nẵng đang thực hiện là hỗ trợ vốn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác các nghề mới giúp ngư dân chuyển đổi ngành nghề đến nay thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hướng đi mới
Ngư dân Bãi Trẹm-Vũng Thùng, phường Nại Hiên Đông đang sửa sang lại lưới cá sau những ngày đi biển. |
Các nghề mới như nghề lưới rê cước, lưới rê chim, câu vàng... rất phù hợp với ngư trường trung bờ, ít tiềm ẩn nguy cơ trong mùa mưa bão. Hiện, nghề lưới rê cước và câu vàng đang là nghề thịnh hành, cho thu nhập tương đối cao so với các nghề khác, không những giải quyết được việc làm cho người lao động mà còn giúp bà con ổn định cuộc sống.
Ông Huỳnh Ngọc (kỹ sư khai thác hải sản thuộc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố) chia sẻ: “Nghề câu là một nghề khai thác hiện đại và tiên tiến, sản phẩm từ nghề câu xuất khẩu có giá trị, thị trường tiêu thụ rộng. Điểm thuận lợi của nghề câu là sử dụng các phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ từ 22CV đến 300CV. Nghề câu được phát triển ở hầu hết các địa phương có ưu thế về biển, đồng thời, việc cấu tạo ngư cụ cũng tương đối đơn giản, khai thác có tính chọn lọc cao, ít chi phí năng lượng. Đối tượng khai thác của nghề câu chủ yếu là các loài cá nổi và cá đáy. Nghề câu vàng chủ yếu câu các loại cá vàng, cá nhám, cá hố, cá mú, cá hồng... cho giá trị kinh tế cao. Mô hình phát triển nghề lưới rê cước, lưới rê chim, câu vàng được triển khai, nhân rộng”.
Hiệu quả cao
Hộ anh Lê Thanh Dũng (hội viên Hội Nông dân thuộc Chi hội đánh bắt hải sản Tân Lập 3B, phường Thanh Bình) là một trong những hộ có kinh tế gia đình ổn định nhờ phát triển nghề lưới rê cước. Năm 2008, được Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố hỗ trợ 1 vàn lưới rê cước với số tiền trên 50 triệu đồng, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn sắm được một vàn lưới rê cước gồm 190 tay lưới, trang bị thêm tàu có công suất 66CV. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu được xấp xỉ 20 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động (với thu nhập trên 3 triệu đồng lao động/tháng).
Anh Dũng cho biết: “Mùa khai thác chính của nghề lưới rê cước là từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Cứ 1 tháng chúng tôi có 2 chuyến biển, bình quân mỗi chuyến đi 8 – 10 ngày, sản lượng mỗi chuyến đạt 4 – 5 tấn, thu được 45 – 50 triệu đồng. Trong 3 năm thực hiện mô hình, đến nay nghề lưới rê cước đã thực sự phát triển, có nhiều kết quả rõ rệt, giúp gia đình tôi vững về kinh tế”.
Cũng là một hướng đi mới, nghề câu vàng mà hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Khương (hội viên Hội Nông dân phường Thuận Phước) đang triển khai cũng thu được hiệu quả. Ông Khương chia sẻ: “Bản thân tôi trước đây làm nghề te ruốc và giã cào, nhưng nguồn hải sản dần khan hiếm cùng với phương tiện đánh bắt quá thô sơ, gia đình hết sức vất vả. Năm 2009, Phòng Kinh tế quận Hải Châu tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật khai thác các nghề mới, giúp tôi chuyển đổi từ nghề te ruốc và giã cào sang nghề câu vàng. Sau 3 tháng triển khai, học hỏi kỹ thuật đánh bắt ở các tỉnh bạn, tôi đã cùng gia đình bắt tay vào phát triển nghề câu vàng”.
Nghề câu vàng có thời điểm đánh bắt khoảng 8 – 10 tháng/năm, 1 tháng bình quân ngư dân có 20 – 25 ngày đi câu, mỗi chuyến đi như vậy khoảng 4 – 5 ngày với 3 người. Đối với hộ ông Nguyễn Tiến Khương, cứ 1 đêm câu được 30 – 40kg cá đuối, với giá bán 30 – 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, trung bình 1 đêm gia đình ông thu nhập được trên 1 triệu đồng, tạo việc làm cho lao động ở địa phương với thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng/người.
Với những hiệu quả thiết thực, các nghề mới như lưới rê cước và câu vàng đang là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ngư dân Đà Nẵng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, các cấp chính quyền cần quan tâm phát triển, nhân rộng, đầu tư hơn nữa để bà con ngư dân chuyển đổi nghề đúng hướng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Bài và ảnh: Đan Tâm