.

Gặt hái từ chính sách thu hút đầu tư

.
Với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là cửa ngõ của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, Đà Nẵng có nhiều cơ hội để phát triển và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư.
 
Mô tả ảnh.
Dự án sân golf do Tập đoàn VinaCapital đầu tư đưa vào sử dụng trong tháng 3-2010.
Từ chính sách thông thoáng, rộng mở, trong 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã không ngừng thu hút các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) phục vụ đắc lực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố. Tính đến giữa tháng 6-2010, thành phố Đà Nẵng đã thu hút 175 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2,6 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,3 tỷ USD chiếm 50% tổng vốn đăng ký. Các dự án FDI vào thành phố rất đa dạng, được phân bố ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dệt may, bất động sản, công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp chế tạo, hóa chất... Hiện có 98 doanh nghiệp đã chính thức đi vào hoạt động, chiếm 58,5% dự án được cấp phép. Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư, giai đoạn 2006-2009 thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh nhất với 2,126 tỷ USD.

Các doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động đã sản xuất kinh doanh hiệu quả. Một số doanh nghiệp còn mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm tiêu thụ. Ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ cấu thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu khoảng 35%, Nhật Bản 29%, Mỹ 18%... Các mặt hàng sản xuất chủ yếu là quần áo may sẵn, quần áo veston, đồ chơi trẻ em, mô-tơ điện tử các loại, máy biến trung thế điện tử, dăm gỗ, hải sản, thiết bị điện tử... Các dự án FDI trên các lĩnh vực như công nghiệp, CNTT, dịch vụ... cũng đã đóng góp quan trọng giúp cho GDP của thành phố tăng trưởng bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đà Nẵng cũng là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài về kinh doanh du lịch, bất động sản. Điển hình là các dự án của Tập đoàn Indochina Capital, VinaCapital, Silver Shores Hoàng Đạt, Olalani... Với số vốn đầu tư lớn và đặc biệt được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, các dự án này đã không ngừng góp phần cải thiện bộ mặt đô thị của thành phố, nhất là góp phần đánh thức tiềm năng du lịch các bãi biển xinh đẹp của Đà Nẵng.

Để đạt được kết quả thu hút vốn FDI, thành phố Đà Nẵng đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và bằng chứng là 2 năm liền (2008-2009) dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của cả nước. Đây cũng là giai đoạn bùng nổ thu hút các dự án FDI với quy mô lớn. Hoạt động xúc tiến đầu tư được thành phố chú trọng khi giảm các thủ tục hành chính, tăng cường quảng bá, tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến hợp tác đầu tư ở khu vực và các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc...
 
Lãnh đạo thành phố luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, trực tiếp lắng nghe và giải quyết các vướng mắc từ nhà đầu tư. Ở phương diện khác, qua quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị, Đà Nẵng đã phát huy lợi thế so sánh của mình trong khu vực và gắn kết với đầu tư phát triển kinh tế vùng trọng điểm khu vực miền Trung. Đà Nẵng có hạ tầng giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực... bảo đảm cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp FDI. Một vấn đề mà doanh nghiệp FDI rất hài lòng là khả năng giao “đất sạch” (đã giải tỏa đền bù), giúp cho tiến độ giải ngân vốn FDI tăng, dự án đầu tư sớm đưa vào khai thác, sử dụng.

Trong những năm qua, bên cạnh việc phát huy nội lực, Đà Nẵng đã có những động thái tích cực trong việc liên kết kinh tế với các tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng giao thông như tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây 2 kết nối Đà Nẵng – Bangkok qua cửa khẩu Đắc Ốc (Quảng Nam), Sêkông-Pắc-xế (Lào) – Chongmek Nakhon (Thái Lan), tuyến đường ven biển Đà Nẵng – Hội An; kết nối phát triển du lịch giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế...; hợp tác phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ thông qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm, hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư. Nhiều dự án lớn đã và đang được thực hiện, tạo thuận lợi về giao thông, lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại. Ngoài 6 khu công nghiệp hiện có với tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 60%, thành phố Đà Nẵng đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp CNTT với diện tích 131ha và đang chờ phê duyệt của Chính phủ về dự án xây dựng khu công nghệ cao với diện tích 1.010ha.

Hiện nay, tại Đà Nẵng hàng loạt các công trình thương mại - dịch vụ cao tầng, các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế được xây dựng. Hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông được đầu tư hiện đại, đáp ứng cao nhu cầu của nhà đầu tư. Năm 2009, Đà Nẵng được Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT bình chọn là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT- truyền thông. Diện mạo của một đô thị hiện đại, văn minh đang dần được hình thành, khẳng định vị thế của Đà Nẵng là một trong những đô thị trung tâm cấp quốc gia.

Mục tiêu chiến lược và tầm nhìn của Đà Nẵng đến năm 2020 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước có cơ cấu kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, đồng thời là hạt nhân gắn kết các địa phương trong khu vực để cùng phát triển. Trên chặng đường phát triển mới, Ðà Nẵng đã bắt đầu triển khai những giải pháp mới để tăng cường thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ðó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thông tin, xác định những lĩnh vực ưu tiên như: dịch vụ - du lịch cao cấp; công nghiệp - phụ trợ không gây ô nhiễm; chú trọng loại hình đầu tư công nghệ cao.

T.T
;
.
.
.
.
.