Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đến Đà Nẵng đã ngỡ ngàng trước những con đường rộng thênh thang mới mở, đến khách sạn, nhà cao tầng, trung tâm thương mại… và với hệ thống hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển khá hoàn thiện đã có sức hấp dẫn lớn với nhiều nhà đầu tư trên lĩnh vực kinh doanh thương mại.
Hướng tới văn minh thương mại. |
Nhìn lại 5 năm trước, thành phố chỉ có vài siêu thị, đến nay đã có trên 10 siêu thị, trung tâm thương mại và hơn 200 chợ lớn nhỏ trên địa bàn. Có những siêu thị tên tuổi như Metro, BigC, VDA-Co.op Mart, Indochina, Siêu thị Đà Nẵng, Intimex… và hàng chục siêu thị chuyên ngành, chuyên dụng như: Siêu thị Điện tử và Tin học Vietronimex, Siêu thị Điện máy Tuyết Cường, EBest, Khu mua sắm Đệ nhất Phan Khang, siêu thị đồ gỗ nội thất, ô-tô, xe máy… tạo nên bộ mặt văn minh thương mại cho thành phố.
Bên cạnh đó, các chợ truyền thống ngày càng được mở rộng và nâng cấp phù hợp với xu thế mới. Những chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn kết hợp kinh doanh hàng hóa cao cấp và phục vụ du lịch. Các chợ dân sinh không ngừng phát triển về số lượng và quy mô. Đà Nẵng đã hình thành 2 chợ đầu mối nông sản và thủy sản, làm điểm phát luồng hàng hóa cung cấp cho thành phố và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Đà Nẵng và miền Trung, các Tổng công ty ở phía Nam và phía Bắc mở nhiều văn phòng đại diện, chi nhánh. Chính vì thế, lượng hàng hóa từ các địa phương khác đổ về phong phú, giúp cân bằng thị trường và hơn cả là sự giao thoa, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Hàng trăm doanh nghiệp mở rộng điểm bán lẻ để phục vụ tốt hơn thị trường nội địa.
Bước phát triển của một thành phố được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có sự phát triển tích cực của hệ thống thương mại, nhà phân phối, các điểm bán buôn, bán lẻ, đại lý kinh doanh. Có thể nói, nhờ vào hệ thống phân phối hàng hóa được tổ chức khá chặt chẽ thông qua sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, những năm qua, Đà Nẵng ít xảy ra tình trạng khan hiếm ảo hàng hóa, đẩy giá cả tăng đột biến, thị trường nhờ đó được giữ vững, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.
Để thúc đẩy hơn nữa mạng lưới phân phối hàng hóa, thành phố Đà Nẵng đặt ra nhiều mục tiêu hoàn thành cơ bản hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố. Công tác xã hội hóa sẽ được tăng cường để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistics, tổng kho bán buôn…).
Các loại hình, phương thức kinh doanh thương mại hiện đại sẽ được đa dạng hóa như sàn giao dịch hàng hóa tập trung, trung tâm đấu giá, nhượng quyền kinh doanh, thương mại điện tử. Một số doanh nghiệp phân phối lớn, có tiềm năng sẽ được phát triển, đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa chuyên ngành hoặc tổng hợp, đủ sức cạnh tranh và điều kiện để hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài trong bối cảnh hội nhập.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đưa ra các giải pháp và chính sách thu hút vốn đầu tư để phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ như đầu tư xây dựng chợ Đầu mối Hòa Cường giai đoạn 2 nhằm trở thành trung tâm bán buôn, phát luồng hàng nông sản của thành phố Đà Nẵng và của khu vực miền Trung; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm (sàn giao dịch) hàng thủy sản tại Thọ Quang. Hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại lớn trên địa bàn. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạng lưới bán lẻ cửa hàng tự chọn tại các khu vực nông thôn hoặc các siêu thị nhỏ tại các khu vực đông dân cư, góp phần thúc đẩy thương mại thành phố lên tầm cao mới.
Bài và ảnh: Duyên Anh