.

Khách du lịch nhiều mới mở đường bay thẳng Nhật Bản - Đà Nẵng

.

Mô tả ảnh.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Sakai – ASEAN 2010 vừa diễn ra tại thành phố Sakai (Nhật Bản), việc xúc tiến mở đường bay thẳng từ Sân bay quốc tế Kansai đến Đà Nẵng được đề cập. Tuy nhiên, việc mở đường bay vẫn chưa thể ấn định được thời gian. Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quốc Phương (ảnh) -Trưởng Văn phòng đại diện Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Osaka.

* P.V: Thưa ông, hiện nay Vietnam Airlines đã khai thác qua Sân bay quốc tế Kansai vùng Osaka (Nhật Bản) như thế nào?

- Ông Nguyễn Quốc Phương: Vietnam Airlines khai thác hằng ngày tổng cộng có 14 chuyến bay/tuần từ sân bay quốc tế Kansai (Nhật Bản) về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994 đến nay. Nguồn khách chủ yếu đi và đến là khách du lịch Nhật Bản (chiếm 80%). Lượng khách này sinh sống ở vùng Kinki. Từ xưa đến nay, đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Nhật Bản. Vùng này bao gồm bảy tỉnh: Nara, Wakayama, Mie, Kyoto, Osaka, Hyogo và Shiga. Lượng hành khách còn lại (20%) của Vietnam Airlines là doanh nhân, du học sinh, Việt kiều, khách du lịch từ Việt Nam sang Nhật...

Mô tả ảnh.
Nhân viên Vietnam Airlines tham gia xúc tiến du lịch tại thị trường Nhật Bản.

* P.V: Vì sao lại có sự chênh lệch quá lớn như trên và việc thiết lập đường bay thẳng từ Kansai - Đà Nẵng đến nay vẫn chưa thực hiện, thưa ông?

- Ông Nguyễn Quốc Phương: Nguyên nhân là do Việt Nam vẫn đang bị hạn chế visa vào Nhật Bản nên lượng khách du lịch người Việt Nam vào Nhật Bản, mà cụ thể là vào vùng Kinki vẫn còn rất hạn chế. Theo tôi được biết, mỗi năm có đến 20 triệu người Nhật đi du lịch ra các nước. Con số đến và qua Việt Nam theo đường bay của Vietnam Airlines vẫn còn khá khiêm tốn, nếu so sánh với các nước trong khu vực như Thailand, Indonesia, Philippines, Trung Quốc...

Việc thiết lập đường bay thẳng từ Sân bay quốc tế Kansai đến Đà Nẵng và ngược lại được xác lập, bàn thảo bởi các cấp chính quyền Trung ương, địa phương và các đối tác. Tuy nhiên, thời điểm triển khai vẫn chưa được quyết định mà một trong những lý do chính là xác định nhu cầu đi lại giữa Đà Nẵng - Kansai. Vietnam Airlines vẫn xác định nguồn khách du lịch là chủ yếu nên công tác xúc tiến du lịch phải đặt lên hàng đầu. Theo đó, Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch, mà cụ thể là Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngành du lịch Đà Nẵng cần đầu tư nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản.

Trước mắt cần phải có văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại Nhật Bản. Một quốc gia láng giềng với Việt Nam là Campuchia đã có văn phòng đại diện du lịch tại Nhật bản, nhưng Việt Nam lại chưa. Ở tầm quốc gia, Bộ Ngoai giao hai nước sớm có đàm phán nới lỏng quy định cấp visa đối với khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản. Hiện tại, Việt Nam đã bỏ visa cho người Nhật vào Việt Nam.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

TRIỆU TÙNG (Thực hiện tại Osaka - Nhật Bản)

;
.
.
.
.
.