.

Những doanh nhân “bụi”

.

Ai bảo doanh nhân là phải veston láng o, tóc tai gọn gàng, tay xách cặp da, nói năng đạo mạo? Lúc nào cũng hoạt bát, xăn tay áo, xắn ống quần lặn lội trèo đèo, lội suối..., những doanh nhân theo nghiệp lữ hành làm nên hình tượng những giám đốc thời nay năng động, hào hoa và ký được bao nhiêu hợp đồng bằng chính sự quên mình.

Mô tả ảnh.
Ghi lại hình ảnh chuyến đi bằng máy ảnh "xịn".

Màng chi sương bụi

Tháng 9 và nửa đầu tháng 10 là thời gian thấp điểm của khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Và thay vì rối bù giải quyết hàng đống công việc như mấy tháng trước, các ông chủ lại hối hả tham gia những chuyến famtrip (du lịch quảng bá) đi khắp nơi như là một cách hiệu quả để kết nối bạn làm ăn trên toàn quốc và khảo sát lại chất lượng dịch vụ, tour tuyến, điểm đến... Vừa tất bật trở về từ hàng loạt chuyến đi ở Hà Giang, Đà Lạt, Bến Tre trong vòng chưa đầy một tháng, anh Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà vẫn không tỏ ra mệt mỏi: “Cực lắm! Có khi tới khách sạn gần 10 giờ đêm. Nhưng vui vì được gặp những đối tác lâu nay chỉ làm việc qua điện thoại, email”.

Khi gia nhập các đoàn famtrip đi khắp nơi, những doanh nhân hóa thân thành những con người xốc vác, hòa đồng và hơi bụi bụi. Họ là những người tiên phong trong việc cùng nhau khám phá những tuyến điểm nhiều khi còn khá sơ khai, chỉ với mong ước mang tới cho “thượng đế” những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn. Giày bata, áo phông, quần jean, ba lô trên vai, họ sẵn sàng gia nhập đoàn người leo lên núi cao trên nghìn mét trong sương và mưa bụi, ngồi xe từ sáng sớm đến tận khuya trong nhiều ngày liên tiếp. Với chiếc máy ảnh chuyên nghiệp không lúc nào rời, họ không bỏ lỡ cơ hội tìm những góc tốt nhất để ghi lại những “pô” ảnh đẹp không kém gì cánh phóng viên hay nhiếp ảnh gia thực thụ.

Hầu hết trưởng thành từ hướng dẫn viên, họ cũng là những tay hoạt náo cừ khôi, vui tính, có cả “bụng” chuyện tếu, giúp những chuyến đi dài không còn nhàm chán, trở nên sôi động và đầy ắp tiếng cười.

Ông chủ kiêm nhân viên

Với bản tính xông xáo, nhiều khi họ không “yên phận” làm ông chủ, mà xông pha thay cho nhân viên phục vụ “thượng đế”. Có kinh nghiệm gần hai chục năm trong ngành du lịch đường thủy, ông Đặng Hòa, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang vừa là thuyền trưởng, chủ tàu, vừa kiêm luôn hướng dẫn viên đưa khách đi khắp nơi trên sông Hàn, ra bán đảo Sơn Trà. Một mình cáng đáng hết chừng đó công việc, ông mới thấy yên tâm. “Tôi cũng thử tìm nhiều hướng dẫn viên rồi, nhưng họ giới thiệu về sông nước nghe không đã, không có hồn”, ông nói. Vừa làm du lịch, vừa kinh doanh nhiều ngành nghề khác, ông so sánh: “Làm du lịch cực hơn nhiều, bỏ tâm sức lớn hơn nhưng thu lợi không bao nhiêu. Tôi vẫn làm vì đam mê”. Lây cái đam mê của ông, hầu hết những người đi cùng chuyến với ông đều thấy yêu thêm vẻ đẹp sông biển Đà Nẵng.

Còn với nhiều doanh nhân khác, tham gia vào việc đón đưa khách là để trực tiếp kiểm tra chất lượng dịch vụ, tài xế, các hoạt náo viên..., qua đó chỉnh đốn lại đội ngũ và phục vụ khách tốt hơn. “Đi là để trải nghiệm và tự mình khám phá, cập nhật tin tức, kiến thức về những vùng đất mới, mới có thể tự tin nói chuyện với người ta chứ”, anh Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch Hanoitourist tại Đà Nẵng cho hay. “Làm nhân viên không phải là hạ thấp giá trị của một chủ doanh nghiệp như nhiều người thường nghĩ. Đó là đặc thù của doanh nhân du lịch”, anh Lộc nói thêm.

Vì tự nguyện tham gia vào cộng đồng một cách nhiệt thành, họ kiếm được nhiều hợp đồng mới mà không cần phải xách cặp đi thương thảo. Gặp nhau, “kết” nhau qua những chuyến đi khảo sát, họ mau chóng thiết lập những mối quan hệ mới với cam kết về việc trao đổi và hợp tác khai thác các đoàn khách lớn nhỏ.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.