.

Nông dân lo vì rau ngập nước

.

Vẫn biết trước thời điểm tháng 10, 11 năm nào cũng có mưa lũ xảy ra, nhưng bà con nông dân sống bằng nghề trồng rau màu không khỏi lo lắng bởi những thửa rau của mình chìm trong từng tấc nước. Bỏ không được, đem bán cũng không xong vì giá rẻ.

Mô tả ảnh.
Ảnh hưởng bởi mưa bão, rau củ phía Bắc về chợ đầu mối Hòa Cường giảm hẳn.

Chứng kiến việc thu hoạch rau màu của người dân khu vực Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, chúng tôi không khỏi xót lòng cùng người trồng rau. Từng luống rau cải, xà lách, rau húng đang độ xanh rì chỉ hơn một tuần là có thể cho thu hoạch thì gặp đúng mấy trận mưa lớn vừa qua. Nhìn mấy đám rau, loại thì nghiêng ngả rạp đất, thứ bị bầm dập, nửa màu xanh, nửa màu úa do bị ứ nước đã bắt đầu thối rữa.

Nhất là hành lá, ngập nước mưa chỉ trong vòng một, hai ngày đã hư úa, người dân phải nhổ cả gốc lên để bón ruộng. Bà Trần Thị Bảy có ruộng tại khu vực này cho biết: “Mấy ngày mưa, mọi người ở trong nhà thì từ đêm tới sáng sớm cả gia đình tôi phải ra ruộng để vét hết các loại hoa màu đem ra chợ. Bán thì rẻ như cho, nhưng không bán thì tiếc công làm từ bấy lâu. Làm nông, có mưa lũ tới mình chạy rau cũng giống như chạy giặc, trễ một ngày là rau hư hết, làm thức ăn cho heo cũng không được nữa”, bà Bảy nói.

Nông dân ở các thôn có vùng rau chuyên canh như Túy Loan, Bồ Bản xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cũng lo lắng, buồn phiền không kém. “Những tháng này thời tiết thất thường, nhà chúng tôi không dám trồng những cây màu dài ngày, chỉ trồng những loại rau hành ngắn ngày phòng mưa lũ, nhưng cuối cùng cũng không tránh được nước lớn”, chị Tám ở thôn Túy Loan Tây thở dài. Chị cho biết, nhờ bồi đắp ven sông, hoa màu trồng sát bên sông Túy Loan lớn rất nhanh, cứ trên dưới một tháng các loại rau lang, rau muống, cải, khổ qua cho thu hoạch đều đều, trung bình mỗi ngày chị cũng thu ít nhất từ 150 – 300 ngàn đồng/lần bán. Như vậy lo đủ tiền chợ búa và chuyện học cho con, nhưng năm nào vào mùa mưa là coi như cả xóm trồng rau đều thất thu.

Ở xã Hòa Ninh, hiện có rất nhiều hộ nông dân trồng chuối, đợt mưa vừa qua, chuối cây đổ ngã khá nhiều, buộc phải thu hoạch sớm dù chuối vẫn còn non. Chị Bùi Thị Hương ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh lắc đầu khi chúng tôi hỏi chuyện: “Cứ tưởng đợt này thu được kha khá tiền để đầu tư cho vườn chè, ai ngờ ảnh hưởng của mưa bão, mấy chục buồng chuối đổ hết, chừ bán đổ bán tháo, chứ để trong nhà cũng có ăn được đâu. Bán ở chợ Hòa Ninh không hết, chị phải mang xuống chợ Hòa Khánh “đổ” cho mấy hộ buôn rau, nhưng giá chỉ bằng phân nửa ngày thường, mỗi buồng chuối chát khi được giá khoảng 40-60 ngàn đồng, đến nay chỉ còn 20-30 ngàn đồng”.

Chịu mưa như rau muống, vậy mà cả chục héc-ta rau muống của người dân , Mỹ An quận Ngũ Hành Sơn, nhất là vùng rau K20 không ngoi lên nổi. Liên tục từ sáng đến chiều, người làm rau các địa phương này phải tất bật cắt rau đưa về các chợ An Cư, Bắc Mỹ An, chợ Hàn. Theo giải thích của người dân, rau muống tuy ưa nước nhưng khi đang bị ngập, trời hửng nắng là chết ngay, nếu không cắt kịp rau sẽ không tiếp tục lên được lứa nữa. Hiện tại các chợ, giá rau xanh không có biến động nhiều, trừ những ngày mưa lớn. Song nghịch lý, trong khi người nông dân phải bán rau quả rẻ chỉ bằng nửa ngày thường thì người buôn lại bán cho người tiêu dùng với giá đắt thêm. Lý giải điều này, chị Vân, tiểu thương ngành rau hành chợ Hòa Khánh cho rằng: “Mua được rẻ nhưng bán không hết là lỗ, vì rau ngày mưa không được đẹp. Sau một đợt mưa thường không có rau mà mua”.

Ảnh hưởng bởi mưa lớn do có bão, một số tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh đường sá bị ách tắc, nhiều xe vận chuyển hàng hóa bị ngưng giữa chừng khiến nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có rau, củ, quả từ phía Bắc không vào được Đà Nẵng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiểu thương nhiều chợ hiện nay thông báo “đứt hàng” và đẩy giá cao. Theo ông Huỳnh Văn Thành, Trưởng BQL chợ Đầu mối Hòa Cường, thông thường, mỗi ngày lượng rau, củ, quả phía Bắc về chợ chừng 250 đến 300 tấn, nhưng mấy ngày vừa qua giảm khoảng 50-60 tấn/ngày. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện lượng hàng rau củ phía Nam (chủ yếu từ Lâm Đồng) khá dồi dào, song lượng rau quê các vùng lân cận Đà Nẵng từ Hòa Vang đến các vùng rau của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng bị giảm do đợt mưa vừa qua. Người nông dân sẽ phải chờ đợt nắng ráo mới trồng lại vụ khác, song hiện rõ trên nét mặt người làm rau là nỗi lo chuẩn bị đối phó với những đợt bão lũ mới.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.