.

An toàn khi ra khơi

.
Mỗi ngày có hàng trăm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng ra khơi đánh bắt hải sản. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, việc bảo đảm an toàn cho những ngư dân này cũng như xử lý kịp thời khi có sự cố trên biển là điều cần thiết.  

Mô tả ảnh.
An toàn cho các tàu cá khi ra khơi là vấn đề luôn được các cơ quan chức năng quan tâm và đầu tư.
 
Hiện nay, toàn thành phố có hơn 1.700 tàu cá và hơn 650 thúng máy đánh bắt hải sản trên biển, tập trung nhiều nhất tại 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà. Trong đó, có gần 1.050 tàu có công suất từ 20 CV trở lên, 152 tàu có công suất trên 90 CV. Những tàu cá đánh bắt hải sản tại tuyến lộng và tuyến khơi, sử dụng số lượng lao động lên đến hàng chục người và thời gian đánh bắt trên biển có khi kéo dài cả tháng trời. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm đủ nguồn lương thực, nước uống thì vấn đề thông tin liên lạc, các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn luôn được trang bị khá kỹ. Nếu có sự cố do thiên tai hay tai nạn xảy ra, chính hệ thống này là “sợi dây” duy nhất giúp họ kết nối với đất liền để được ứng cứu kịp thời.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản thành phố, đối với những tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên, mỗi năm phải đăng kiểm 1 lần và phải bảo đảm an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ cứu nạn theo quy định thì mới được tiếp tục ra khơi. Theo đó, đối với những tàu cá này, ngoài vỏ tàu, máy tàu bảo đảm hoạt động tốt, mỗi tàu bắt buộc phải trang bị 1 phao áo/thuyền viên, 2 phao tròn/tàu. Những tàu đánh bắt ở tuyến khơi (công suất trên 90 CV) bắt buộc phải trang bị bộ đàm, hệ thống Icom liên lạc tầm xa với bán kính trên 1.000 hải lý, tàu công suất dưới 20 CV phải trang bị bộ đàm 1 băng, 3 băng và 6 băng với bán kính liên lạc từ 40-60 hải lý. Ngoài ra, tất cả các tàu cá bắt buộc phải trang bị radio để thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, giúp chủ động trong việc phòng tránh thiên tai... Các tàu khi ra khơi thường kết hợp với nhau thành các tổ khai thác, cùng hỗ trợ thông tin và giúp đỡ nhau khi có sự cố. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 95 tổ khai thác hải sản, trong đó có 45 tổ với 191 tàu đánh bắt xa bờ. Đây là hình thức liên kết hiệu quả, giúp nhau giải quyết, cầm cự khi có sự cố, trước khi lực lượng cứu hộ có mặt.

Nhận thức về an toàn khi ra khơi, ngư dân Nguyễn Văn Năm (57 tuổi, ở quận Sơn Trà) cho biết: “Nếu không bảo vệ được tài sản khi có sự cố thì phải bảo vệ bằng được tính mạng của mình và của anh em. Còn người là còn của, chứ mất người là mất hết”. Bằng kinh nghiệm đi biển lâu năm của mình, anh Năm cho biết thêm, thời tiết hiện nay rất thất thường, không thể dự đoán bằng kinh nghiệm như trước được, việc trang bị các phương tiện kỹ thuật để phòng và tránh tai nạn là điều rất cần thiết.

Đối với thúng máy và những tàu có công suất dưới 20 CV (không phải đăng kiểm hằng năm), ý thức tự giác bảo vệ tài sản và tính mạng của bản thân khi đi biển là điều rất cần. Hằng năm, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 5-6 lớp tuyên truyền về vấn đề an toàn khi đi biển, đồng thời tập huấn những kiến thức, kỹ năng liên lạc khi gặp sự cố. Nhằm hỗ trợ ngư dân, vừa qua, Chi cục Thủy sản phối hợp với tổ chức CTC (Anh) thực hiện Dự án “Hỗ trợ phương tiện cảnh báo cho ngư dân, kết hợp nâng cao nhận thức cho cộng đồng và phòng ngừa thiên tai”, đã hỗ trợ 454 radio cho các phương tiện đánh bắt có công suất dưới 20 CV. Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, từ nguồn của Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cấp 97 máy Icom 710 (20 triệu đồng/máy), hơn 300 phao tròn, hơn 400 phao áo… cho các phương tiện đánh bắt hải sản trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lưu Quang Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, điều cơ bản và quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của chính những ngư dân trong việc tự sắm trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. “Không nên tiếc cái áo phao đã cũ nát mà không chịu sắm mới, hoặc mấy trăm ngàn mà không mua cho mình cái radio. Nếu đem so sánh với tính mạng bản thân và khối tài sản của mình đang lênh đênh trên biển thì sự so sánh này thật là khập khiễng”, ông Khánh nói.

Bài và ảnh: Phan Chung
;
.
.
.
.
.