.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phát triển thị trường

.

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ước tính đóng góp hơn 50% GDP vào ngân sách Nhà nước, giải quyết được 80% việc làm mới cho người lao động. Hằng năm, các bộ, ngành và địa phương đã có các hỗ trợ, kể cả kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV. Tuy vậy nhìn chung, việc mở rộng thị trường của DNNVV đang gặp nhiều khó khăn.

Mô tả ảnh.
DNNVV cần được hỗ trợ để tiếp cận, phát triển thị trường.

Đặc điểm chung của các DNNVV ở Việt Nam cũng như Đà Nẵng là đa số sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm tiếp thị, bán hàng. Vì vậy, mặc dù sản phẩm của nhiều DN, cơ sở tư nhân, hợp tác xã... chất lượng tốt, song, việc tiếp cận, phát triển thị trường là điều khó khăn. Không những năng lực quản trị, quảng bá thương hiệu của hầu hết DNNVV ở Đà Nẵng còn hạn chế mà công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu, nhân lực thiếu chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và ứng phó trong công việc còn chưa linh động… cũng là những rào cản mà các DNNVV ở Đà Nẵng gặp phải.

Trong tổng số các DNNVV Đà Nẵng có đến 60% là DN thương mại - dịch vụ, 15% DN còn lại hoạt động trong các lĩnh vực khác. Đa số các doanh nghiệp chưa xác định được chiến lược phát triển của mình. Vì vậy, đến nay các DNNVV Đà Nẵng chưa sản xuất ra được sản phẩm nào có thương hiệu mang tầm quốc tế.

Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng được thành lập từ năm 2006, đến nay có 250 hội viên tham gia, với mục tiêu là luôn hướng về cộng đồng DN và doanh nhân. Hiệp hội thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm với các doanh nhân TP. Hồ Chí Minh, vận động DN tham gia các hội chợ triển lãm, tổ chức cho các DN học kinh nghiệm quản lý ở Nhật Bản và châu Âu. Hiệp hội cũng khuyến khích các DN nên dùng sản phẩm của nhau, chung tay chia sẻ với cộng đồng. “Chỉ tính riêng trong hai tháng 10 và tháng 11 này, Hiệp hội đã tổ chức 3 cuộc hội thảo và 1 cuộc tọa đàm chia sẻ thông tin cho các DN về những vấn đề quản trị mà các DN gặp phải; các giải pháp đồng bộ hỗ trợ DNNVV; những kinh nghiệm, thực tiễn khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ… nhằm tạo điều kiện cho các DN Đà Nẵng giao thương và học hỏi kinh nghiệm”, ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng cho biết.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm của các DNNVV Đà Nẵng chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar và một số ở Nga, Mỹ, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước và khách du lịch quốc tế. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, thủy sản đông lạnh, đá Non Nước , đồ mỹ nghệ… Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Phước Tiến, bày tỏ: “Công ty tôi có 15 xưởng sản xuất với đội ngũ công nhân trên 2.500 người, chủ yếu sản xuất các sản phẩm hải sản khô như ruốc nhuộm, cá bò tẩm gia vị, mực lột da, cá cơm… chất lượng cao. Những năm trước đây, mỗi năm công ty tôi cũng thu được gần 10 triệu USD doanh số xuất khẩu, song những năm gần đây, do nguồn nguyên liệu khan hiếm, nguồn vốn không ổn định và thị trường cạnh tranh gay gắt, khiến doanh số xuất khẩu công ty giảm xuống 60 - 70%, còn gần 3 - 4 triệu USD/năm”.

Một DN có uy tín lâu năm như Phước Tiến mà khó khăn như vậy, huống chi các DN chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Theo kinh nghiệm của một số DN, trong điều kiện khó khăn của DNNVV, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, trước hết chính bản thân những người đứng đầu DN phải có quyết tâm để nâng cao  năng lực cạnh tranh từ các ưu thế của mình. Từ đó có chiến lược đẩy mạnh quảng bá, đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, khẳng định thương hiệu của DN mình trên thị trường.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.