Theo chân ông Nguyễn Liền – Tổ trưởng tổ dân phố 17, phường Hòa Xuân, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng nấm sò tại nhà ông Nguyễn Quảng, một học viên tham gia lớp học nghề sản xuất và chế biến nấm ăn do Hội Nông dân thành phố tổ chức tại phường từ cuối tháng 4 đến tháng 7-2010.
Sản xuất và chế biến nấm ăn là một trong những nghề được đánh giá phù hợp với điều kiện của người dân Hòa Xuân ở nơi định cư mới. |
Sau lớp học nghề trồng nấm, ông Quảng về cải tạo một căn phòng rộng 20m2, đốn tre làm giàn, chuẩn bị hầm làm nấm sò. Cả gia đình ông đến các xã Hòa Châu, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) mua mùn cưa về nhồi vào các bọc ni-lon rồi cho vào thùng phuy nổi lửa đun nấu. Từ đầu tháng 9 đến nay, với 1.000 bọc nấm sò có chi phí nguyên liệu ban đầu chỉ 4,3 triệu đồng, sáng nào cũng dậy sớm thu hoạch được từ 3-5kg nấm, đem qua chợ đầu mối Hòa Cường bán được từ 50-100 ngàn đồng. Không chỉ làm nấm sò, ông Quảng cùng với các hộ nông dân trong xóm đốn tre, làm 5 nhà bạt ở ngoài vườn, tận dụng số rơm còn sót lại để làm nấm rơm.
Đến nay, các hộ cùng làm nấm với ông đã bàn giao mặt bằng cho Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và đi thuê nhà ở trong thời gian chờ nhận đất và làm nhà nơi định cư mới, còn gia đình ông cùng với 21 hộ khác trong xóm, ăn xong Tết Tân Mão cũng sẽ bàn giao mặt bằng. Ông Quảng cho hay: “Cũng chưa biết bố trí tái định cư thế nào, nhưng mong là được thành phố quan tâm tạo điều kiện bố trí cho 2 lô đất liền kề hoặc đấu lưng vào nhau để tận dụng một phần diện tích đất khoảng 40-60m2 làm phòng trồng nấm sò, bảo đảm thu nhập, trang trải đời sống hằng ngày”. Ông Nguyễn Liền cũng cho hay: “Nhằm chuyển đổi ngành nghề, các hộ nông dân trong tổ cũng đã tham gia các lớp học trồng hoa, cây cảnh, riêng tham gia 2 lớp học nghề sản xuất và chế biến nấm ăn do Hội Nông dân thành phố tổ chức tại phường là 10 hộ. Từ khi học đến nay, các hộ đều đang trong quá trình bàn giao mặt bằng nên những kiến thức, kỹ năng thu nhận được chưa được các hộ triển khai thực hiện có hiệu quả, có lẽ đến khi bà con ổn định được nhà cửa ở nơi ở mới rồi mới triển khai được.
Nhưng từ thực tế và qua ý kiến bà con nông dân, chuyển đổi ngành nghề sang trồng hoa, cây cảnh, cơ khí… đều cần phải có một quá trình, riêng với nghề sản xuất và chế biến nấm ăn, nhất là nấm sò là phù hợp với bà con cả về thời gian, kiến thức, kỹ năng, lẫn nguyên liệu, diện tích, công lao động và thu nhập. Mặt khác, việc trồng nấm rơm tuy có giá trị kinh tế cao, song lại gặp nhiều khó khăn về rơm rạ, tốn nhiều công chăm sóc và khó làm, do đó, mong Hội Nông dân cấp trên quan tâm, mở thêm nhiều lớp về sản xuất và trồng nấm sò cho nông dân. Ở nơi ở mới, chỉ cần một phòng rộng 20m2, là có thể làm được 1.000 bọc nấm sò, sau một tháng, nấm đều có để thu hoạch mỗi ngày, kiếm được từ 50 đến 100 ngàn đồng/ngày, mà bà con không cần tốn nhiều công chăm sóc”.
Theo Hội Nông dân phường Hòa Xuân, vào cuối tháng 10 vừa qua, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức bế giảng lớp tập huấn trồng nấm bào ngư (nấm sò) và nấm linh chi cho các hội viên nông dân phường Hòa Xuân với 30 học viên, trong đó có 9 học viên tổ chức sản xuất nấm tại nhà, bước đầu thu được gần 10 triệu đồng. Trước đó, 32 hội viên nông dân khác cũng được học nghề trồng nấm kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 7-2010; 25 nông dân được học nghề trồng hoa, cây cảnh kéo dài 4 tháng. Ông Phạm Đức Cấn – Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân cho hay: “Nghề trồng nấm phù hợp với điều kiện của bà con nông dân, sắp tới sẽ có thêm 2 lớp dạy nghề sản xuất và chế biến nấm ăn cho nông dân độ tuổi từ 50 tuổi trở lên. Sau đó, tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế, Hội Nông dân phường sẽ tham mưu, kiến nghị với cấp trên tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp nông dân, giúp nông dân có điều kiện chuyển đổi ngành nghề ở nơi định cư mới”.
Bên cạnh các lớp dạy nghề cho nông dân, còn các lớp dạy nghề phù hợp và theo nguyện vọng, nhu cầu với phụ nữ, thanh niên đã, đang và sắp triển khai như điện dân dụng, may mặc, cơ khí, tin học… nhằm giúp người dân Hòa Xuân có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, có thu nhập, tự chủ kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống ở nơi định cư mới.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP