Người ta không phải đi tìm đồ “xôn” ở đâu xa xôi, mà chỉ cần tới nhiều cửa hàng quảng cáo “đại hạ giá”. Cũ mèm, quá khổ, không rõ xuất xứ... là đặc điểm thường thấy của các mặt hàng giảm giá trong mùa sale.
Thời trang của 7 năm trước
Những quảng cáo giảm giá bắt mắt. |
Hai thùng hàng trong diện “thanh lý” của cửa hàng thời trang A.A (đường Lê Duẩn) nằm ngay cửa ra vào, với các loại áo quần từ trẻ con đến người lớn. Tuy giới thiệu: “Trời lạnh mấy ngày nay, tụi em mới giảm giá đó chứ”, nhân viên cửa hàng vẫn không tài nào tìm ra một chiếc áo hoặc quần còn mới. Hầu hết quần đã cũ mèm, ố vàng còn hơn cả đồ bành, và thuộc thế hệ thời trang của cách đây gần 10 năm xét về cả chất liệu, màu sắc lẫn kiểu dáng: Lưng cao, ống rộng, hơi loe ở phần dưới, nhưng vẫn được dán giá từ 200 nghìn đồng/cái trở lên. Giá này, theo nhân viên trên, là đã giảm tới 50%. Áo thun nữ được hạ cùng giá 15 nghìn đồng/cái không khác gì hàng đổ đống thường thấy ở bên rìa các khu chợ trong thành phố. Vì là hàng thanh lý, nên mỗi thứ chỉ có đúng một cái: Hoặc to quá, hoặc nhỏ quá. “Có rứa mới rẻ chớ chị”, nhân viên khó chịu khi tôi tỏ ra không vừa ý.
Thương hiệu cũng trải hàng “bèo”
Không chỉ các shop thời trang nhỏ lẻ, mà ngay cả những cửa hàng của các nhãn hiệu lớn cũng tỏ ra không kém cạnh trong việc bán hàng giảm giá theo dạng đồ “xôn”.
Nhiều người không còn lạ gì với kiểu “đại hạ giá” thu hút khách của hệ thống cửa hàng V.P Collection (đường Lê Duẩn và Phan Châu Trinh): Cứ dăm bữa, nửa tháng lại treo biển “Tuần lễ hạ giá”, hoặc “Cơ hội mua hàng giảm giá duy nhất trong năm”… Những đống áo quần nam, nữ có giá chỉ từ 29 đến 149 nghìn đồng/cái chiếm phần lớn không gian của cửa hàng, khiến người ta có cảm tưởng đây là nơi chuyên bán đồ giá rẻ. Họa hoằn lắm, khách hàng mới tìm được bộ cánh ưng ý giữa một núi áo quần toàn cỡ từ L đến XXL. Vài người hậm hực: “Bán đồ cho Tây mặc hay sao mà to dữ!”. Nhiều tấm áo đã bạc thếch, loang lổ ở cả hai cánh tay, hoặc sút hết đường chỉ. Dù được bày bán dưới thương hiệu V.P, hơn phân nửa hàng hóa lại đóng “mác” loạn xạ của nhiều nhà sản xuất từ Việt Nam đến New York và cả… Trung Quốc. Chưa kể, trong khi mặt ngoài in hiệu này, nhưng trên nhãn mác lại là hiệu khác. Nghe tôi thắc mắc về xuất xứ hàng hóa, nhân viên cửa hàng cho hay: “Công ty đưa về hàng gì, em bán hàng đó nên cũng không rõ”.
Không quá “xôn” như V.P, nhưng hàng giảm giá của thương hiệu B.E cũng làm không ít người mua thất vọng. Trái với hình ảnh bắt mắt của hàng mới treo trên giá, hàng sale nhìn khá bèo nhèo, trong đó nhiều quần áo đã xù lông, sờn vải hoặc không hề mang nhãn hiệu của B.E. Có người còn phát hiện ra vài mặt hàng đã được đưa vào sạp giá rẻ từ hai năm trước.
Lạc vào thế giới hàng giảm giá như đồ “xôn”, người tiêu dùng có cảm giác bị coi thường.
Bài và ảnh: HẰNG VANG