Đêm lại qua đêm, giữa cảnh khuya tĩnh mịch, hai tổ công nhân của Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) nhẫn nại tỏa đi các hẻm phố. Họ giỏng tai để lắng nghe một thứ âm thanh lạ lùng. Đó là tiếng nước chảy từ trong lòng đất, nơi nguồn nước cấp trên mạng truyền dẫn chảy... rông đã làm thất thoát nguồn nước sạch có thời điểm lên đến gần 50%. Câu chuyện thất thoát nguồn nước sinh hoạt vốn chỉ có... đất biết thì nay “chảy đâu, biết đó”, góp phần làm giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống mức thấp.
Sửa chữa đường ống vỡ. |
Gần 20 năm lăn lộn với nghề cấp thoát nước, anh Trần Đình Tuấn, công nhân bậc 6/7, đến tận bây giờ cũng không ngờ rằng mình đã bước sang một nghề mới: dò tìm nước chảy. Anh Tuấn kể: Tôi đang làm việc ở đội xây lắp đường ống cấp nước thì lãnh đạo công ty gọi về. Giám đốc công ty Nguyễn Trường Ảnh nói: “Lâu nay anh đi lắp đặt đường ống cấp nước, biết rõ từng đoạn tuyến, nay công ty muốn anh đi tìm những chỗ nước chảy, đoạn ống hư hỏng”. Vậy là anh cùng với 4 công nhân khác biên chế vào Đội dò tìm các điểm xì vỡ đường ống trong lòng đất. Nhiều người trong công ty nói vui đó là “Đội đặc nhiệm” chống thất thoát nước.
“Hơn một năm đi vào hoạt động, Đội dò tìm các điểm xì vỡ đường ống đã hoạt động hiệu quả. Trong năm 2009, đội đã phát hiện 80 điểm xì vỡ đường ống trong lòng đất. Trong 10 tháng đầu năm 2010 phát hiện 106 điểm khác. Có chứng kiến những điểm xì vỡ đường ống âm thầm chảy vào lòng đất mới thấy sự thất thoát nước sạch vốn diễn ra khủng khiếp. Có thời điểm gần phân nửa sản lượng nước sản xuất đã trở về lòng đất. Thất thoát nước làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gián tiếp làm tăng giá thành sản phẩm”, ông Nguyễn Trường Ảnh nói.
Hoạt động của Đội dò tìm các điểm xì vỡ đường ống thực sự là “cú điểm huyệt” vào “căn bệnh” thất thoát nước trầm kha của ngành Cấp nước Đà Nẵng khi mà trong vòng 10 tháng qua, tỷ lệ thất thoát nước giảm được 5,48%, tức từ 31,75% xuống còn 26,27%. Thành tích của đội thể hiện dày đặc trong cuốn nhật ký công tác. Đêm 7-9-2010, phát hiện 4 điểm xì vỡ tại đường Lê Quang Sung. Đêm 22-9-2010, khi kiểm tra đường ống nước tại các kiệt hẻm khu vực Bàu Sen tuyến đường Phạm Văn Nghị - Nguyễn Văn Linh phát hiện 6 điểm xì vỡ. Ngày 5-10 phát hiện xì vỡ 3 điểm tại đường Phan Thanh...
Khi đêm đã khuya, không gian tĩnh lặng nhất, mọi người chìm sâu vào giấc ngủ, là lúc những công nhân dò đường ống nước bể lên đường. Mỗi đêm từ 10 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau, họ trải qua hành trình vài chục kilômét, áp tai vào thiết bị ống nghe, nghe thấu từng tiếng nước chảy trong đường ống ngầm dưới đất, lọc ra từ đó những âm thanh bất thường để “điểm mặt” bằng vết sơn đỏ chính xác vị trí nước bể rồi báo bộ phận sửa chữa thi công khắc phục. Mới đây, đêm 25-10 khi đi cùng với đội, chúng tôi đã chứng kiến các công nhân phát hiện ra 6 điểm vỡ đường ống tại khu vực dân cư ven các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Phan Đình Phùng, Lê Lợi.
Trò chuyện với các thành viên trong đội như Nhân, Hải, Linh…, họ đều cho rằng công việc chẳng có gì là cực nhọc nhưng đằng sau đó là bao nỗi vui buồn. Làm công nhân kiểu gì mà đêm hôm khuya khoắt, lò dò, mò mẫm đến từng ngôi nhà khi đêm về sáng? Ai chưa hiểu thì đáng ngờ lắm. Những tháng đầu đi làm, các anh thường xuyên bị mọi người nhìn theo bằng ánh mắt nghi ngờ, đe dọa... “Làm nghề này điểm ra có 4 cái sợ: thứ nhất sợ gặp người nghiện ma túy, thứ hai gặp người say, thứ ba gặp chó, thứ tư gặp xe chạy liều”, anh Tuấn, đội trưởng tâm sự. “Tuy nhiên cũng hy hữu lắm, bởi thành phố mình tình hình an ninh trật tự rất tốt”, anh Tuấn nói thêm.
Còn anh Châu Ngọc Linh kể: “Giữa đêm hôm, bọn em luôn gặp các đội dân phòng, các anh công an tuần tra đêm. Có lúc các anh ấy còn đề nghị đi cùng cho vui”. Những ngày đầu đi dò tìm ống bể, các công nhân gặp khó là chiếc xe gắn máy không biết để đâu? Về sau các anh nẩy ra sáng kiến là 5 thành viên trong đội thì có 4 người đi làm việc, một người ngồi trông xe. Rồi họ thay phiên nhau. Anh Hải kể: “Có lần đang ngồi trông xe bất ngờ có người dân ập đến la lớn “Xe ăn trộm hả, một mình răng có đến 5 chiếc?”. Vậy là để khỏi bị mang tiếng oan, các anh được dân phòng, công an hướng dẫn nên để xe máy ở những nơi có đèn chiếu sáng, gần chốt dân phòng...
Trao đổi kinh nghiệm dò tìm đường ống vỡ. |
Giải thích về cái nghề “bói ra nước chảy”, anh Tuấn nói công việc phần lớn dựa vào thiết bị dò sóng âm thanh. Loại thiết bị này gồm: tai nghe, bộ đế cảm biến rà trên mặt đất và bộ thiết bị khuếch đại âm thanh có hiển thị tần sóng âm. Dựa vào thang sóng âm thanh để xác định địa điểm có nguồn nước chảy lan truyền ra đất. Nếu thời tiết khô ráo, quang đãng thì làm việc thuận lợi. Ngược lại trời mưa, thì sai sót rất cao. Sóng âm thanh từ máy nhận được không phân biệt được giữa dòng nước chảy từ đường ống với đường cống thoát nước mưa.
“Vậy các anh có khi nào bói trật lất không?”. Anh Tuấn cười: “Có chứ. Ví dụ có gia đình sử dụng mô tơ bơm nước gần đường ống hay như sóng tần âm thanh của trạm biến thế điện lực và thêm nữa là hoạt động của máy điều hòa nhiệt độ. Các loại âm thanh này chuyển âm ra đất nên bọn tôi... bị hố”. Làm nghề gì cũng vậy, kinh nghiệm là điều rất quan trọng. Kiểm tra lần đầu có nghi vấn thì đánh dấu sơn xanh, di chuyển máy đi nơi khác theo dõi và vài giờ sau quay lại để kiểm tra. Hoạt động của máy bơm nước, máy điều hòa rồi cũng có lúc dừng thì chất lượng kiểm tra sẽ chính xác.
Hơn một năm đi vào hoạt động, “tai - mắt” của đội đã góp phần làm giảm thất thoát nước sạch với sản lượng lên hàng ngàn, hàng triệu m3 nước. Đêm lại đến đêm, bước chân của các công nhân Đội dò tìm Công ty Cấp nước Đà Nẵng lại rảo trên đường phố, kiệt hẻm.
(Còn nữa)
Phóng sự của TRIỆU TÙNG