Năm 2007, Liên Bộ Tài chính và Giao thông-Vận tải đã ra Thông tư liên tịch số 86/2007 (Thông tư 86) quy định về kê khai giá cước, niêm yết giá cước và kiểm tra thực hiện giá cước ô-tô. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian đầu, các đơn vị vận tải chỉ làm theo kiểu đối phó và sau một thời gian gần như bỏ hẳn.
Bảng niêm yết giá - có cũng như không. |
Trước tình hình này, mới đây, Liên Bộ Tài chính và Giao thông-Vận tải đã ban hành tiếp Thông tư số 129/2010 (Thông tư 129) về việc niêm yết giá cước vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, với mục đích công khai giá cước vận tải để tránh tình trạng “thượng đế” bị nhà xe ép giá. Mặc dù vậy, sau hơn một tháng triển khai đã cho thấy nhiều khả năng Thông tư 129 sẽ có “số phận” không khác mấy so với Thông tư 86.
Có thể nói, việc thực hiện niêm yết giá cước tại Đà Nẵng khá tốt so với các địa phương khác trên cả nước. Gần như 100% xe vận tải khách các tuyến cố định, xe taxi, xe buýt trên địa bàn thành phố đều niêm yết giá cước đúng theo tinh thần Thông tư 129 đã quy định, tức là bảng giá cước được niêm yết ở mặt ngoài thành xe, phía bên trái và gần cánh cửa trước.
Thậm chí các nhà xe ở Đà Nẵng cũng tuân thủ rất nghiêm túc về cách trình bày bảng niêm yết đúng như phần phụ lục hướng dẫn trong Thông tư 129, tức là trong bảng niêm yết giá có đầy đủ thông tin về tên dịch vụ, tên đơn vị kinh doanh dịch vụ, địa chỉ, số điện thoại, số Fax. Riêng tuyến xe buýt, ngoài việc thực hiện niêm yết giá cước theo quy định, tại Bến xe Trung tâm, đơn vị chủ quản còn công bố trên băng-rôn thông tin về giá cước, lộ trình từng tuyến ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất.
Về hình thức là như vậy, thế nhưng trên thực tế theo quan sát của chúng tôi, việc niêm yết giá cước này không giúp gì được nhiều cho “thượng đế” trong việc có thông tin để được mua vé đúng giá quy định. Một ví dụ, giá niêm yết tuyến Đà Nẵng-Quảng Bình là 80 ngàn đồng, nhưng trong các quầy vé đều bán giá từ 95 ngàn đồng; tuyến Đà Nẵng-Gia Lai giá niêm yết trên xe là 130 ngàn thì giá trong quầy vé là 150 ngàn đồng. Theo giải thích của một nhà xe chạy tuyến Đà Nẵng-Quy Nhơn, việc niêm yết giá cước ô-tô chủ yếu là… đối phó.
Vì theo quy định của Thông tư 129, bảng niêm yết giá dán bên ngoài thành xe phải làm chất liệu tốt, chịu được nắng mưa, nên không thể thay đổi hằng ngày được. Trên thực tế, giá cước vận tải hành khách thay đổi liên tục, vì vậy sau một thời gian ngắn, giá cước đã lỗi thời. Bên cạnh đó, dù trong Thông tư 129 có kèm theo phụ lục hướng dẫn trình bày nội dung của bảng niêm yết, thế nhưng lại không quy định về kích thước và màu sắc, vì vậy cũng dễ hiểu vì sao những bảng niêm yết giá cước được dán bên ngoài thùng xe đều rất nhỏ. Theo chị Lê Thị Hồng Hoa, người thường xuyên đi tuyến Đà Nẵng – Huế cho rằng: “Do công việc, tôi thường đón xe dọc đường chứ không vào bến xe để đi. Mỗi lần đón xe như vậy, xe tấp vội vô lề đường là mình phải lên ngay, chứ có thời gian đâu mà nhìn giá cước.
Và một khi đã lên xe rồi dù phía trong cũng có niêm yết giá cước, thế nhưng giá tùy thuộc hoàn toàn nhà xe, chứ mình không thể lấy đó mà trả giá với họ được. Hơn nữa, chỉ có các nhà xe Đà Nẵng là có niêm yết giá cước, còn xe của các tỉnh thành khác rất ít khi có, vì vậy việc niêm yết giá cước này cũng không đem lại nhiều kết quả như mong muốn”. Cũng về chuyện niêm yết giá cước này mà chị Phan Thị Hiền, ở số 75 Huỳnh Ngọc Huệ (Đà Nẵng) cho biết suýt bị chủ xe của Nghệ An đuổi xuống giữa đường, cũng vì lý do đòi “nhìn mặt” bảng niêm yết giá cước trên xe.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn