.

Nỗi niềm người trồng hoa

.

Những năm gần đây, việc trồng hoa bán trong mỗi dịp Tết đã đem lại lợi nhuận khá cao cho nhiều hộ ở các xã như Hòa Châu, Hòa Phước... huyện Hòa Vang, cũng như những hộ ở các phường Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Cũng thời gian này, những người trồng hoa bắt đầu xuống giống cho một vụ mùa mới. Bên cạnh niềm vui mà lợi nhuận thu về từ việc bán hoa, người dân còn đó lắm nỗi lo...           

Mô tả ảnh.
Anh Mỹ từ Hòa Cường Bắc vào phun thuốc trừ sâu cho cây hoa trồng ở Hòa Vang.

Cố gắng... bám nghề!

Theo số liệu thống kê của Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc, hiện nay trên địa bàn có 70 hộ trồng hoa lớn nhỏ, với tổng diện tích trên 50 ngàn m2. Toàn phường có 4 chi hội trồng hoa, trong đó có 1 chi hội (chi hội 6) chuyên trồng hoa, cây cảnh quanh năm. Trước đây Đà Nẵng nổi tiếng với làng hoa Bình An, sau thời gian thực hiện giải tỏa, chỉnh trang đô thị, những hộ dân chuyên trồng hoa đã không còn đất để phát triển nghề. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề cũng như nhận thấy nguồn kinh tế mang lại từ việc trồng hoa là khá cao nên một số hộ vẫn bám nghề đã tìm đủ mọi cách để sống với nghề. Hiện nay nhiều người dân phường Hòa Cường Bắc phải thuê đất ở huyện Hòa Vang trồng hoa để phục vụ dịp Tết.

Anh Trần Văn Mỹ ở Hòa Cường Bắc cho biết: Ngày trước gia đình anh trồng hoa với diện tích rộng, mấy năm gần đây không còn đất trồng nên phải lặn lội về Hòa Vang thuê đất để trồng hoa. Chính vậy chi phí cho một vụ tăng nhiều lần. Cụ thể phải thuê nhân công địa phương, đến khi thu hoạch chi phí vận chuyển cao nên so với hồi trước lãi chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, trồng hoa đối với gia đình anh đã trở thành một nghề lâu đời nên khó mà bỏ được.

Hiện nay, các giống hoa như cúc pha lê, cúc đại đóa, cát tường… đã được xuống giống. Dọc theo đường 30-4, Nguyễn Hữu Thọ, Lương Nhữ Hộc những hộ dân ở đây bắt đầu các công đoạn như: tỉa lá, bấm đọt, vào phân, phun thuốc… chăm chút cho những chậu cúc bắt đầu nhú lên. Anh Trần Tám ở tổ 64 phường Hòa Cường Bắc cho biết: Năm nay anh đầu tư khoảng 2.500 chậu với số vốn ban đầu 100 triệu đồng. Chi phí cho một mùa hoa Tết rất tốn kém, bên cạnh đó đòi hỏi người trồng hoa phải kiên trì, cố công chăm sóc mới đem lại kết quả. Chỉ cần không theo dõi kỹ  quy trình sinh trưởng của cây coi như mất trắng. Ngoài việc đầu tư chậu, cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón… đòi hỏi phải sáng điện đúng thời gian. Riêng tiền điện chiếu sáng mỗi hộ phải trả từ 4 đến 5 triệu đồng, như tháng 9, tháng 10 này là phải cho đèn sáng cả đêm để tránh hoa trổ bông trước thời vụ.

Để cho một chậu hoa trổ đúng dịp và trổ được nhiều bông thì khi gieo trồng vào chậu 15 ngày, người trồng hoa phải tiến hành bấm đọt. Sau đó bấm lần tiếp theo cách lần bấm đầu 1 tháng. Tất cả những quy trình trên nhằm tạo cho cây phân nhánh và trổ nhiều bông. Với những giống như cúc đại đóa, cúc pha lê… đòi hỏi chăm sóc rất công phu, qua nhiều công đoạn, còn với giống hoa ly cao cấp lại đòi hỏi chi phí cho giống cao hơn nhiều. Mỗi củ ly có giá từ 16 - 17 ngàn đồng, chi phí cho mỗi chậu ly khoảng 25 đến 30 ngàn đồng. Tuy giống ly là hoa cao cấp, giá đầu tư cao nhưng các công đoạn chăm sóc lại nhẹ hơn chăm cúc, vì thế người trồng hoa thường kết hợp trồng cúc và ly để nâng cao thu nhập trong mỗi dịp Tết.

Nỗi lo

Có thể thấy rằng, nghề nào cũng có rủi ro, thất bại trong đó có trồng hoa. Cứ đến một vụ mới, người trồng hoa lại ăn cùng hoa, thức ngủ cùng hoa. Với lợi nhuận đem lại từ việc trồng hoa, hằng năm gia đình anh Mỹ cũng thu 70 đến 80 triệu đồng, đã trừ chi phí. Chính vì thế mà những hộ dân ở đây đã gắn bó với nghề.

Anh Trần Văn Mỹ tâm sự: “Đây là nghề 5 ăn 5 thua, gặp thời tiết thuận lợi thì không nói gì, còn nếu chẳng may mưa kéo dài thì nguy cơ thất bại là rõ mười mươi. Gia đình tôi bám nghề cũng đã lâu, trước có đất thì thu được nhiều lợi nhuận hơn. Bây giờ đất ít, tôi phải xuống huyện Hòa Vang để thuê đất trồng hoa. Chi phí nhiều gấp đôi, nhất là công vận chuyển từ Hòa Vang vào nội thành khá tốn kém”. Bên cạnh nỗi lo về nguồn vốn để đầu tư giống, người trồng hoa còn nơm nớp lo vì diễn biến phức tạp của thời tiết.

Với việc trồng hoa, chỉ cần mưa nặng hạt kéo dài là xảy ra hiện tượng thối rễ, dẫn đến chết cây. Đồng thời mưa lạnh cũng lại là điều kiện tốt để các dịch bệnh phát triển. Sự bất thường của thời tiết thời gian gần đây đã làm cho người trồng hoa thêm lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hử ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cho biết thêm: Trồng hoa để bán trong dịp Tết nếu thuận lợi là cơ hội tốt để các hộ nông dân xóa đói giảm nghèo. Được trời thương mưa thuận gió hòa thì thu nhập cũng khá cao. Năm ngoái cũng hơi buồn vì thời tiết xấu, hoa ế nên gia đình chị đã thất thu, hy vọng năm nay thành công và thu lại lợi nhuận cao từ việc trồng hoa bán Tết.

Cần sự chia sẻ để giữ nghề!

Có thể thấy rằng nghề trồng hoa đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Nhưng một thực trạng đáng buồn là quỹ đất trồng hoa ngày một teo lại. Vì hiện nay đa số những hộ dân ở đây đang tranh thủ sử dụng “nhờ” đất của một số dự án, chính vì vậy việc thu hồi diện tích đất ở trên là chuyện sớm muộn. Và đây cũng là vấn đề làm đau đầu không chỉ riêng người trồng hoa mà còn là nỗi lo lắng của Hội Nông dân các cấp.

Người dân mong muốn có một nghề bền vững để xóa nghèo, nhưng trên thực tế để làm được điều đó thì chẳng hề giản đơn. Chính vì lẽ đó, theo và gắn bó với nghề trồng hoa như là một cứu cánh của một số hộ nông dân.

Có thể nhận thấy rõ một điều thật nghịch lý, trong khi người dân ở đây phải đi thuê đất ở xa thì đâu đó còn một số khu đất có diện tích lớn vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Thiết nghĩ, nên chăng các cơ quan chức năng cần rà soát lại các dự án nhằm tạo điều kiện cho người dân trồng hoa mượn đất. Điều đó không chỉ tạo điều kiện cho người dân làm kinh tế mà nó còn đem lại cho thành phố một bộ mặt ngày càng đẹp hơn. Mong muốn làm sao làng hoa không chỉ là trong quá khứ mà luôn hiện hữu giữa lòng thành phố khi mỗi độ xuân về.                                                                

Bài và ảnh: MẠNH CƯỜNG

;
.
.
.
.
.