.

Phục hồi chăn nuôi

.

Dịch heo tai xanh tràn qua địa bàn huyện Hòa Vang vừa qua gây tổn thất nặng nề cho người chăn nuôi. Hơn 4.300 con heo, tổng trọng lượng hơn 77 tấn của 782 hộ bị tiêu hủy. Đời sống người dân càng khốn khó hơn khi đàn heo là tài sản không nhỏ bị chết và tiêu hủy.   

Mô tả ảnh.
Dịch bệnh liên tiếp xảy ra làm cho đời sống người chăn nuôi khó khăn.
Hơn nửa tháng kể từ ngày công bố hết dịch, trên địa bàn huyện Hòa Vang rất ít hộ phục hồi đàn heo, mặc dù họ đã nhận tiền hỗ trợ đối với số heo bị tiêu hủy. Thiếu vốn đầu tư, thiếu con giống và tâm lý sợ dịch là trở ngại chính dẫn đến tình trạng trên. Ông Trần Văn  Hưng, ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn cho biết: Dịch phát sinh, hộ chăn nuôi mất cả chì lẫn chài. Không chỉ heo chết mà nhà nào cũng tốn khá nhiều tiền chữa trị bệnh cho heo. Nhiều hộ ở thôn này heo chết trước ngày công bố dịch không được hỗ trợ.

Muốn nuôi lại cũng đành bó tay. Hơn nữa, nói đến chuyện phục hồi đàn heo, ai cũng lo ngại. 3 năm trước, dịch phát sinh, rồi khôi phục được hơn 1 năm, dịch ập đến, lại tiếp tục tiêu hủy, đầu tư nuôi tiếp liệu có an toàn? Ông Đỗ Viết Kính, ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc cho hay: “Dịch tràn qua, nhà tôi thiệt hại 30-40 triệu đồng. Nay tính chuyện nuôi lại nhưng không có vốn đầu tư. Đó là chưa nói vay được tiền biết mua giống ở đâu. Nuôi tiếp liệu có an toàn?”.

Khó khăn song không thể không phục hồi chăn nuôi. Vấn đề đặt ra là phục hồi bằng cách nào, hiệu quả phòng chống dịch đến đâu để tạo niềm tin cho người chăn nuôi? Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng cần phải hỗ trợ giống, tạo điều kiện tốt nhất về vốn vay cho hộ chăn nuôi và đẩy mạnh công tác phòng chống dịch thì mới sớm phục hồi đàn heo. Huyện đã có văn bản đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí để mua 400-500 con giống heo Móng Cái tạo lập đàn nái mẹ.

Huyện sẽ làm việc với các chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân cho các hộ bị thiệt hại trong đợt dịch vừa qua vay theo tinh thần Nghị định 41. Cùng theo đó, công tác phòng chống dịch triển khai quyết liệt, rộng khắp ở các địa phương, đặc biệt chú trọng khâu tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các điểm tiêu hủy heo bệnh, tiêm phòng heo theo quy định.

Qua đợt dịch, huyện Hòa Vang cần rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch, để thời gian tới ngăn chặn dịch hiệu quả, bởi chỉ có khống chế thành công dịch bệnh mới phục hồi và phát triển đàn heo như mục tiêu đề ra. Cần sớm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ thú y cơ sở. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn dịch từ xa không thể xem nhẹ. Nếu như vào thời điểm dịch phát sinh ở Quảng Nam, các trạm kiểm dịch động vật triển khai kịp thời, ngăn chặn hiệu quả heo nhiễm bệnh vận chuyển vào Đà Nẵng, chắc chắn dịch không lan rộng ở Hòa Vang đến vậy. Công tác chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng heo chết vất bừa bãi khá phổ biến. Có ý kiến cho rằng thời gian tới, đàn heo nào không tiêm phòng, dịch bệnh phát sinh, phải tiêu hủy sẽ không được hỗ trợ, nhằm làm cho người chăn nuôi có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch. 

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu 

;
.
.
.
.
.