.

Thành công từ những bước đi thích hợp

.
Trong tháng 10 vừa qua, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã xuất sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... 57 container hàng với khoảng 1.700 tấn sản phẩm hải sản, thu về 5,7 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2010 lên 41,5 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 1/2 tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của thành phố Đà Nẵng.
 
Mô tả ảnh.
Tại một tổ chế biến hải sản xuất khẩu.
 
Đây là một trong số ít doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu trên cả nước đạt mức tăng trưởng cao và ổn định nhiều năm liền trong điều kiện lĩnh vực này liên tục đối mặt với khó khăn gay gắt về nguyên liệu, thị trường.

Giải pháp nào giúp công ty vượt qua khó khăn và đạt kết quả lạc quan như vậy? Trao đổi về vấn đề này, Tổng Giám đốc công ty, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng: Khai thác đủ nguyên liệu cho nhu cầu chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm bằng cách chế biến hàng giá trị gia tăng, tiêu thụ trực tiếp tại các siêu thị, không ngừng mở rộng thị trường, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, là cơ sở tạo nên sự tăng trưởng.
Từ trước đến nay, chế biến xuất khẩu tôm là thế mạnh của Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước. Cách đây nhiều năm, khi Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) không khuyến khích nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng công ty đã thu mua chế biến, bởi ngay từ đầu, lãnh đạo công ty nhận thấy loại tôm này có tiềm năng rất lớn trong nuôi trồng và xuất khẩu. Sự mạnh dạn “xé rào” này giúp công ty sớm xây dựng được vùng cung cấp nguyên liệu và đưa sản phẩm chế biến từ tôm thẻ chân trắng thành mặt hàng chủ lực, được thị trường nhiều nước ưa chuộng. Từ cơ sở đó, những năm gần đây, Bộ NN&PTNT chủ trương phát triển mạnh loại tôm này ở nhiều địa phương. Tuy vậy, trong môi trường cạnh tranh gay gắt, đáp ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất là vấn đề không đơn giản. Để có hàng chục nghìn tấn tôm đưa vào chế biến, công ty đã triển khai cùng lúc nhiều giải pháp thích hợp. Bên cạnh mở rộng mạng lưới thu mua tại nhiều nơi, công ty liên kết với một số doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm quy mô lớn; phối hợp với Trường Đại học Nông-lâm Huế tập huấn kỹ thuật cho nông dân; cùng với các cơ sở nuôi trồng thực hiện quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng ngay từ nguyên liệu đầu vào.  

Là doanh nghiệp có bề dày hàng chục năm chế biến hải sản xuất khẩu, nhưng thời gian dài, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chủ yếu xuất khẩu tôm đông lạnh dưới dạng nguyên liệu thô. Hạn chế của kiểu xuất khẩu này là sản lượng lớn, nhưng giá trị thấp. 3-4 năm gần đây, công ty đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, chế biến các sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ trực tiếp vào siêu thị. Đến nay, gần 10 sản phẩm từ tôm như tôm tẩm gia vị, tôm hấp chín… chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu hằng năm. Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm được nguyên liệu mà giá trị xuất khẩu tăng nhanh. Ông Trần Văn Lĩnh cho biết, chất lượng sản phẩm quyết định vị thế trên thị trường. Bên cạnh đầu tư trang bị máy móc hiện đại đồng bộ, đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề  công nhân, việc kiểm soát chất lượng ngay từ khi tôm còn ở dưới các ao hồ đến sơ chế, tinh chế vô cùng quan trọng. Để sản phẩm đi vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, công ty thường xuyên phối hợp với đối tác kiểm tra đánh giá theo các tiêu chí đã đặt ra. Chỉ tính riêng lĩnh vực này, mỗi năm công ty đầu tư hơn 6 tỷ đồng.

Chăm lo đời sống, không ngừng cải thiện thu nhập cho công nhân cũng là giải pháp giúp công ty đạt tăng trưởng cao và ổn định. Ngoài mức thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng, các chính sách như bảo hiểm xã hội, y tế… công ty chăm lo chu đáo. Hiện tại, trong số hơn 2.000 công nhân làm việc tại công ty, nhiều người ở xa được bố trí nhà ở tập thể. Quần áo bảo hộ của công nhân có bộ phận chuyên giặt hấp. 2 nhà ăn quy mô lớn, công nhân tự chọn món mình thích. Ngay từ tháng 9, công ty đã giải quyết cho các cổ đông ứng trước 12% lợi nhuận.

Khai thác, chế biến mặt hàng có tính đặc thù, giá trị cao cũng là điểm mạnh ở công ty này. Trước đây, phần từ đầu và vỏ tôm phế phẩm chỉ bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, ô nhiễm môi trường mà giá trị rất thấp. Với công nghệ và thiết bị nhập ngoại, 2 năm trở lại đây, phế phẩm này được công ty chế biến thành sản phẩm có tên CTIN, dùng trong chế biến dược phẩm, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản. Nếu như năm 2009, doanh thu từ mặt hàng này 2 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm nay là 10 tỷ đồng.  
      
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu
;
.
.
.
.
.