Thời điểm này, các trường CĐ, ĐH bắt đầu thông báo nộp học phí cho năm học mới 2010-2011. Nhiều sinh viên thuộc diện gia đình khó khăn bỗng dưng muốn... khóc vì Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ngừng cho vay để trang trải việc học.
Việc thay đổi đột ngột đối tượng cho vay đã tạo áp lực lớn đối với phụ huynh, học sinh. (Ảnh chụp tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) |
Quá đột ngột
Vừa bước vào năm học mới, chị Lê Thị Châu (ở tổ 21, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã phải đau đầu vì chi phí cho 2 cô con gái đang học Đại học Thể dục thể thao và Đại học Ngoại ngữ. “Cả tháng nay, hầu như đêm nào cũng mất ngủ vì lo tiền cho con đóng học phí, rồi còn nhiều khoản khác mà gia đình không thể kham nổi. Những năm trước, vào thời điểm này thì yên tâm rồi, vì đã có tiền Ngân hàng CSXH cho vay. Nhưng giờ tôi lên nộp đơn thì cán bộ phường nói không được vay nữa, họ nói vì tôi không phải hộ nghèo, giờ biết phải làm sao.
Chắc là đi vay nóng cho cháu đóng học phí đã, chẳng lẽ để cháu nghỉ học thì tội quá” - Chị Châu lo lắng. Vừa giúp mẹ việc nhà, cô con gái nhỏ Phan Thị Mỹ Liên, hiện đang là sinh viên năm 2 Đại học Thể dục thể thao than thở: “Năm vừa qua, em được vay 1 kỳ là 4,3 triệu đồng, đóng học phí 1 năm là 6 triệu đồng. Năm nay không được vay nữa, nhìn mẹ cực quá em chỉ muốn nghỉ học”. Được biết, dù chưa “được” công nhận hộ nghèo vì với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, nhưng gia đình chị Châu rất khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào gánh hàng nước của mẹ và nghề sửa xe đạp của cha. Con gái đầu là Phạm Thị Mỹ Lệ (sinh viên lớp 08SPT01 Sư phạm tiếng Trung) phải vừa học vừa đi dạy kèm nhiều ca để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Còn Trần Duy Hùng ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Công nghệ thì ngậm ngùi: “Bố mẹ em nộp đơn từ đầu tháng 9 nhưng đến giờ vẫn không được vay, em không biết tại sao. Ở lớp đã thông báo nộp tiền học. Không có tiền để đóng, có lẽ em phải nghỉ học để 4 đứa em tiếp tục đến trường. Vay ở các ngân hàng khác lãi suất rất cao lại cần nhiều yêu cầu, thủ tục mới được vay, chắc bố mẹ em không thể vay nổi”. Được biết, dù không đạt “tiêu chuẩn” nghèo nhưng gia đình Hùng cũng rất khó khăn, mẹ đi lượm chai bao, bố làm thợ nề, chật vật qua ngày cho 5 anh em Hùng ăn học. Được biết, quy chế học tín chỉ của một số trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn thành phố bắt buộc sinh viên phải nộp học phí mới được đăng ký môn học và xếp lớp. Điều này khiến nhiều phụ huynh phải chạy vạy, thậm chí vay “nóng” với mức lãi suất cao để đóng tiền cho con theo học khi không còn được vay vốn vì chỉ là hộ khó khăn chứ không “được” nghèo.
Cần một lộ trình phù hợp
Theo quy định ban hành năm 2007, các đối tượng học sinh, sinh viên diện mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, bệnh tật, hỏa hoạn, dịch bệnh được vay tại Ngân hàng CSXH để trang trải chi phí học tập. Còn theo quy định mới từ năm học 2010-2011, đối tượng con em gia đình khó khăn chỉ được vay một lần tối đa 12 tháng (860.000 đồng/tháng), những trường hợp đã vay rồi thì không giải ngân nữa. Điều này đã tạo áp lực khá lớn đối với nhiều bậc phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là lúc các em đã nhập học và các trường đang yêu cầu đóng học phí. Không tránh khỏi sẽ có những trường hợp học sinh nghỉ học vì không có tiền đóng cho trường.
Tại thành phố Đà Nẵng, những năm qua, Ngân hàng CSXH đã cho khoảng trên 16 ngàn sinh viên, học sinh vay học tập. Điều này thực sự có ý nghĩa, đã giúp hàng ngàn em bước tiếp ước mơ đến trường. Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng CSXH thành phố cho biết: “Thực hiện chủ trương chung, nhiều năm qua, chúng tôi đã tạo điều kiện cho các em vay vốn để học tập. Đến nay, số dư nợ tín dụng đã lên đến trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có sự thay đổi về chính sách cho vay, năm nay chúng tôi rà soát lại, một số trường hợp phải tạm dừng vay vốn, dự tính có khoảng vài ngàn hộ khó khăn không được vay”.
Còn về phía các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo một số trường đều nói rằng việc thông báo thay đổi đối tượng cho vay một cách đột ngột đã khiến nhà trường cũng bị động, lúng túng. Phải nói rằng thời gian qua, việc lựa chọn, bình xét đối tượng cho vay khá dễ dàng khiến nhiều trường hợp chưa cần vay cũng được vay đã tạo sức ép cho quỹ tín dụng đào tạo. Do vậy, trong điều kiện tài chính còn hạn chế, chính sách cần có sự điều chỉnh để cho những đối tượng thật sự khó khăn được hỗ trợ. Tuy nhiên, quy định đột ngột như trên sẽ gây khó cho học sinh, sinh viên. Nên chăng cần có một lộ trình phù hợp khi thực hiện quy định mới để không ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
Bài và ảnh: Phương Trà