Có đến 70% hộ trồng hoa trên địa bàn thành phố phải về các vùng ngoại ô như Hòa Phước, Hòa Tiến để thuê đất trồng hoa. Số còn lại, tranh thủ một vài ô đất trống ở khu dân cư hay khu vực đất công ở đường 30 Tháng 4 để duy trì nghề. Tất cả những cách làm này đều đang gặp nhiều khó khăn và không bền vững.
Có tiền, chưa chắc đã thuê được...
Vùng đất tốt, giá rẻ, điện nước đầy đủ thế này liệu có duy trì được lâu dài cho người trồng hoa? Trong ảnh: Bác Đỗ Trọng Đức bên ruộng hoa trồng phục vụ mùa Tết sắp đến. |
Gần 20 năm nay cả gia đình bác Đỗ Trọng Đức (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) sống nhờ vào những cây hoa cúc, thược dược... Khi thành phố tiến hành giải tỏa, thu hồi đất phục vụ quá trình chỉnh trang đô thị, đất trồng hoa bị thu hẹp. Năm 2002, bác Đức cùng gần 10 hộ trồng hoa khác trong vùng chủ động lên tìm, thuê đất tại khu vực Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) với giá 300 ngàn đồng/sào/năm. Mỗi hộ thuê trung bình từ 4 – 5 sào. Từ năm 2005, giá đất thuê đã tăng lên 400 ngàn đồng/sào/năm nhưng hầu như không còn đất để thuê. Bác Đức bảo, bây giờ tìm được 4 - 5 sào đất để thuê trồng hoa khó lắm.
Đất thuê trồng hoa phải bằng phẳng, không bị xé lẻ. Để có 4 – 5 sào đất, người thuê phải thỏa thuận với ít nhất từ 2 – 3 chủ đất. Hiện những vùng đất tốt, giá rẻ, thuận lợi về điện, nước thì dân trồng hoa lâu năm đã thuê hết rồi. Những khu vực dân trồng hoa thuê đất nhiều nhất là Hòa Thọ Tây, Hòa Phát (Cẩm Lệ); xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Khan hiếm đất thuê nên phần lớn dân trồng hoa phải giữ đất. Sau 6 năm thuê đất ở Hòa Cầm, khi quay về Hòa Cường Nam, bác Đức đã nhường lại 5 sào (tương đương 2.500 mét vuông) đất thuê đó cho cháu mình để… giữ đất.
5 năm qua, bác Nguyễn Hòa, ở tổ 16, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê đã trồng hoa trên 2.000 mét vuông đất thuê tại địa phương với giá 300 ngàn đồng/sào/năm. Khi đất bị lấy lại, cả gia đình bác phải tập trung chuyển toàn bộ hơn 2.000 chậu xi-măng lên xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) nơi bác vừa thuê được 1.000 mét vuông đất để tiếp tục trồng hoa. Còn anh Trần Tuấn (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) mới trồng hoa được 3 năm nay. Tận dụng những lô đất chủ chưa làm nhà, anh cũng trồng được 1.000 chậu cúc pha lê, cúc gàn đông. Anh cho biết, cả năm nay đã đi lùng đất nhưng vẫn chưa thuê được. Chờ hết mùa hoa Tết này rồi lên xin làm cùng với người em họ ở trên Hòa Cầm xem sao.
Giải pháp tạm thời
Để duy trì nghề trồng hoa, nhiều người dân cứ phải “du canh du cư” đi mượn, thuê đất. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể duy trì lâu dài được. Bác Đức chia sẻ, nghề trồng hoa vốn đã thất thường, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đôi lúc phải lấy công làm lời. Không có đất vừa giảm bớt số lượng, lại chỉ tập trung được mùa hoa Tết, không tận dụng được đất để trồng hoa cúc đất (khác với hoa cúc trồng trong chậu) bán vào các dịp rằm, 30, mồng một hằng tháng. Hơn 1 năm nay, thành phố tạo điều kiện cho Hội Làm vườn quận Hải Châu bằng cách cho mượn tạm khu đất trống trước chợ Đầu mối để tập trung trồng hoa, cây cảnh. Nhưng theo bác Đức, đây chỉ là giải pháp trước mắt, cùng lắm chỉ được 3 - 4 năm (vì đây vốn là khu quy hoạch để xây dựng Công viên dành cho người cao tuổi của thành phố).
Thiếu đất sản xuất, khó thuê đất khiến nhiều hộ dân đành phải bỏ nghề. Khu vực phường Hòa Cường Bắc trước đây vốn là vùng trồng hoa lớn của thành phố. Hơn 5 năm về trước, phải đến mấy trăm hộ có vườn hoa cây cảnh, nhưng bây giờ chỉ còn chưa đến 58 hộ. “Bây giờ mà cứ phải đi thuê, đi mượn đất thì làm sao có được những vườn cây, vườn hoa đạt hiệu quả cao về số lượng và chất lượng. Trong tương lai phải hướng đến trồng những loại cây vừa có giá trị kinh tế vừa ít chiếm dụng đất. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm đất để giới thiệu cho người dân đi thuê. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn để chuyển đổi sản xuất”, ông Đào Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê nói.
Bài và ảnh: Khánh Hòa