.

Vốn cho người nghèo

.
Giảm nghèo là một trong 8 mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam là quốc gia được Liên Hợp Quốc đánh giá khá thành công trong công tác này. Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về quyết tâm cũng như đột phá trong việc giảm nghèo và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
 
Mô tả ảnh.
Giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những cách giảm nghèo bền vững.
 
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã hỗ trợ cho 4.000 hộ vươn lên thoát nghèo; xóa nhà tạm và sửa chữa nhà cho gần 300 hộ, bố trí 36 căn hộ chung cư cho hộ đặc biệt nghèo không có nhà và đất ở; hỗ trợ lắp đặt điện nước, công trình vệ sinh, phương tiện sinh hoạt cho hàng trăm hộ. Gần 1.300 lượt hộ được hỗ trợ vốn làm ăn. Trên 150 hộ được vay vốn sản xuất kinh doanh và gần 300 hộ được hỗ trợ phương tiện sản xuất. Tổng nguồn lực huy động hỗ trợ cho hộ đặc biệt nghèo lên đến trên 16 tỷ đồng, qua đó nâng tổng số hộ được vay trên 38.800 hộ, với tổng số dư nợ trên 328 tỷ đồng.
 
Tuy vậy, công tác giảm nghèo ở Đà Nẵng cũng bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là số hộ thoát nghèo cao nhưng chưa thực sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo lớn; hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành mới chỉ tác động đến người nghèo, tức là họ đã nghèo rồi chúng ta mới giúp, mà chưa chú trọng đến giải pháp phòng ngừa dẫn đến nghèo. Chính sách giảm nghèo chưa bao phủ hết nguyên nhân dẫn đến nghèo. Quản lý, thống kê, đánh giá nghèo và giảm nghèo ở các cấp còn chưa chính xác. Tâm lý trông chờ, ỷ lại còn tồn tại ở một số hộ nghèo. Mặt khác, không ít hộ không muốn thoát nghèo để nhận chế độ, chính sách... Tất cả những hạn chế đó là rào cản rất lớn ảnh hưởng kết quả giảm nghèo của thành phố.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố và các phòng giao dịch của NHCSXH các quận, huyện đã có nhiều hoạt động tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Những đồng vốn của ngân hàng (NH) đã góp phần tích cực biến giấc mơ no ấm của hàng nghìn người dân nghèo thành hiện thực. Một nông dân ở tổ 30 Khái Tây, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Trong vài năm gần đây, vốn vay của NHCSXH đã trở thành “cứu cánh” của người nghèo. Từ vốn vay, chúng tôi đã chủ động mua máy cày, máy bơm, mua con giống, cây giống... để sản xuất”.

Vậy nhưng mới đây, NHCSXH Việt Nam liên tiếp có 2 thông báo: Một là không tiếp tục cho sinh viên - học sinh (năm thứ 2 trở đi) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; hai là không còn vốn cho người nghèo vay để làm nhà theo chủ trương của Chính phủ. Dư luận cho rằng đây chính là những khó khăn mới mà các hộ nghèo vấp phải. Mặc dù nguồn vốn này nhìn trên thực tế không ảnh hưởng đến vốn xóa đói giảm nghèo, nhưng chúng lại có mối tương quan mật thiết với nhau. Bởi trong hoàn cảnh người nghèo đang gặp khó khăn như vậy mà có thêm 2 nguồn vốn này sẽ rất tốt cho họ. Đặc biệt, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro như hiện nay.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn, để chăm lo cho người nghèo tốt hơn nữa, ngoài việc tiếp tục vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ các hộ nghèo, phường nghèo thì các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện và triển khai các đề án giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời các hình thức hỗ trợ, tiếp sức cho người nghèo cũng cần phải đa dạng như hỗ trợ lúa giống, vật tư, phân bón để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho hộ nghèo được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp.

Đại diện NHCSXH thành phố cho biết: Các tổ chức hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy tốt vai trò ủy thác, là cánh tay đắc lực trong thực hiện công tác tuyên truyền và quản lý vốn tại cơ sở. Đặc biệt là trong khâu bình xét đối tượng vay vốn, các tổ chức hội tham gia cùng với địa phương bình xét, bảo đảm tính dân chủ, công bằng và đúng đối tượng. Từ những nguồn vốn của NH, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện làm ăn, ổn định cuộc sống. Chính những đồng vốn của NHCSXH đã tạo động lực giúp người dân vươn lên và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
 
Vì vậy, để thực hiện thành công chương trình giảm nghèo, trong thời gian tới, cần phải gắn chặt mục tiêu giảm nghèo với các mục tiêu phát triển khác; lồng ghép chương trình giảm nghèo của thành phố với các chương trình phát triển KT-XH như: Chương trình phát triển làng nghề (làng rau, làng hoa...); chương trình làm sản phẩm du lịch; chương trình phát triển kinh tế biển; chương trình dạy nghề và tạo việc làm cho 1.000 người đặc biệt nghèo còn sức lao động mỗi năm; chương trình người nghèo tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn huyện Hòa Vang; chương trình giảm giá dịch vụ đô thị cho người nghèo... Làm như vậy giảm nghèo sẽ bền vững hơn. 

Bài và ảnh: Thành Lân
;
.
.
.
.
.